Vietstock - Lao đao giấc mơ xuất khẩu tôm 10 tỉ USD
Giá tôm thẻ chân trắng ở ĐBSCL hiện đã giảm dưới giá thành, chỉ còn 40.000-50.000 đồng/kg khiến nhiều người nuôi thua lỗ, phải “treo ao”. Mục tiêu xuất khẩu tôm 10 tỉ USD đã lao đao.
Giá tôm xuống thấp nên nhiều người nuôi sau thu hoạch đã "treo" ao - Ảnh: C.QUỐC
|
Mục tiêu xuất khẩu 10 tỉ USD vào năm 2025 được đưa ra tại hội nghị phát triển ngành tôm Việt Nam cuối năm 2017 chưa "nguội" nhưng hiện nếu không có tín hiệu tích cực từ phía xuất khẩu, nguy cơ người nuôi tôm "treo ao" hàng loạt dẫn tới thiếu nguyên liệu chế biến xuất khẩu là có thực.
Bán lỗ và "treo ao"
Vừa mới bán xong 14 ao tôm thẻ chân trắng loại 100 con/kg với giá 70.000 đồng/kg, ông Võ Thanh Sang (TP Sóc Trăng) cho hay sẽ bỏ ao vì thua lỗ và chưa biết khi nào giá tăng trở lại.
"Giá này là thấp nhất trong 10 năm qua và người nuôi lỗ khoảng 10.000 đồng/kg tôm. Mỗi ao thu hoạch 4-5 tấn tôm là lỗ 40-50 triệu đồng, làm sao dám nuôi nữa" - ông Sang nói.
Ông Sang cho biết so với cùng kỳ năm ngoái, giá tôm đã giảm tới gần 50.000 đồng/kg. Dù giá rẻ nhưng các nhà máy cũng giảm mua, còn thương lái Trung Quốc cuối năm ngoái đông đảo thế nay cũng bặt vô âm tín.
Đồng quan điểm, ông Quách Hồng Phong, phó chủ tịch Hiệp hội nuôi tôm Mỹ Thanh (Sóc Trăng), cho rằng với mức giá hiện tại người nuôi giỏi thì huề vốn, còn không thì thua lỗ. Nên sau khi bán tôm, nông dân chậm thả, thậm chí "treo ao" là dễ hiểu.
"10 năm trước người dân ĐBSCL gặp khó vì con tôm sú, nay lại gặp khủng hoảng với con tôm thẻ. Nếu còn kéo dài thì vài ba tháng nữa các nhà máy không có nguyên liệu mà chế biến" - ông Phong cảnh báo.
Anh Nguyễn Tuấn Thành, một chủ vựa mua bán tôm kiêm cung cấp vật tư thủy sản ở TP Sóc Trăng, thừa nhận người nuôi tôm đang giảm mạnh số ao nuôi căn cứ vào lượng thức ăn và vật tư bán ra.
"Hồi cuối năm ngoái và hai tháng đầu năm nay tôi bán hàng ra không kịp thở mà giờ hầu như không bán được gì" - anh Thành cho hay và thắc mắc: giá tôm thẻ chân trắng đã xuống mức thấp nhất trong lịch sử nhưng các nhà máy không mua vào là một điều bất thường.
Nguy cơ thiếu nguyên liệu
Theo ông Võ Văn Phục - tổng giám đốc Công ty cổ phần Sạch Việt Nam (Sóc Trăng), không chỉ ở Việt Nam mà trên quy mô toàn cầu nguồn cung tôm nguyên liệu tăng mạnh khiến cho giá tôm giảm.
Giá tôm thẻ chân trắng đã xuống thấp nhất lịch sử nhưng nhà máy không dám mua, theo ông Phục, vì các nhà nhập khẩu giảm mua.
"Giá xuất khẩu đã giảm tới 20% so với cuối năm ngoái nhưng vẫn khó bán vào thị trường Mỹ vì người mua nghĩ giá sẽ giảm nữa" - ông Phục chia sẻ.
Dân chưa nhìn thấy tín hiệu giá tăng, họ không tiếp tục nuôi là đúng. Nhưng ông Phục lo những tháng tới, đặc biệt là cuối năm, sẽ không biết lấy đâu ra nguyên liệu để sản xuất xuất khẩu.
"Nếu người mua hàng cứ tiếp tục ép giá không mua sẽ tổn hại nghiêm trọng đến quyền lợi của người chế biến và người nuôi tôm. Chỉ trong vòng nửa tháng nữa mà giá không có gì thay đổi, tôi nghĩ đến viễn cảnh 10 ao nông dân bỏ trống 7-8 ao là chắc chắn" - ông Phục cảnh báo.
Ông Trương Đình Hòe, tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP), cho hay tồn kho của các nước nhập khẩu đang còn nhiều nên trong tháng 4-5, việc mua hàng rất chậm.
Giữ chất lượng để giữ thị trường
Bên cạnh nỗi lo về thiếu nguyên liệu các tháng cuối năm, các nhà máy chế biến xuất khẩu tôm của Việt Nam cũng đang đau đầu đối phó với việc giá thành sản xuất trong nước cao hơn nhiều so với các đối thủ chính.
Ông Hồ Quốc Lực, tổng giám đốc Công ty cổ phần Sao Ta (Sóc Trăng), cho hay con tôm có giá trị cao nên được nhiều quốc gia quan tâm thúc đẩy phát triển.
Đáng chú ý là Ấn Độ, Indonesia, Ecuador, thậm chí Trung Quốc. Nổi bật là Ấn Độ với tham vọng sẽ đạt sản lượng tôm nuôi cao nhất thế giới trong vài năm tới.
Ông Trương Đình Hòe cho rằng VN khó cạnh tranh với Ấn Độ về giá bán vì giá thành nuôi tôm của Ấn Độ thấp hơn nhiều.
Vì vậy, các doanh nghiệp cần tập trung vào chất lượng để bán tôm chất lượng cao với giá cao, đồng thời tăng sản xuất các sản phẩm giá trị gia tăng mà Ấn Độ chưa có thế mạnh.
Hiện tôm có tiêu chuẩn ASC (Hội đồng quản lý nuôi trồng thủy sản) đang có nhu cầu cao ở thị trường EU và có giá cao hơn hàng thường. Đây cũng là mặt hàng mà nhiều doanh nghiệp VN đã triển khai trong các năm qua. Vì vậy, doanh nghiệp và người nuôi Việt Nam cần giữ vững tiêu chuẩn này.
Còn theo ông Hồ Quốc Lực, Nhà nước cần có những biện pháp quản lý về giá các nguyên liệu đầu vào như con giống, thức ăn và vật tư nuôi tôm bởi thời gian qua các mặt hàng này đã tăng giá rất mạnh, đẩy giá thành nuôi tôm của VN lên cao, khó cạnh tranh trên thế giới.
Dù vụ tôm này người nuôi đang thua lỗ nhưng các đơn vị cung cấp vật tư lại có lời rất cao vì đã chủ động tăng giá ngay từ đầu vụ.
Tôm Việt Nam giá cao Hiện tôm từ Ấn Độ chiếm 34% tổng tôm nhập khẩu vào Hoa Kỳ năm 2017, trong khi tôm VN chiếm khoảng 8% (xuất khẩu tôm năm 2017 của VN đạt khoảng 3,85 tỉ USD). Ông Hồ Quốc Lực cho biết tôm thẻ chân trắng còn vỏ, bỏ đầu cỡ 26-30 con/kg giai đoạn 2013-2014 của Ấn Độ giá 10,3 USD/kg,hiện họ chào bán giá chỉ 7,5 USD mà vẫn ế. Với giá này, quy ra tôm thẻ chân trắng nguyên liệu nguyên con cỡ 40 con/kg ở Ấn Độ chỉ dưới 90.000 đồng/kg trong khi giá cỡ tôm này ở VN là 130.000 đồng/kg. "Doanh nghiệp Việt Nam rất khó cạnh tranh với tôm rẻ của Ấn Độ" - ông Lực nói. |
TRẦN MẠNH - NGUYỄN HẢI