Vietstock - Cẩn trọng với chênh lệch cung tiền và tín dụng mở rộng
Trong khi thanh khoản dư thừa tác động đến lãi suất là tích cực, thì ngược lại, chênh lệch cung tiền mở rộng quá lớn so với tín dụng tiềm ẩn một số rủi ro khó lường.
Lượng cung tiền tăng mạnh chủ yếu đến từ việc Ngân hàng Nhà nước tiếp tục mua ròng ngoại tệ mạnh mẽ trong nửa đầu năm nay. Ảnh: Uyên Viễn
|
Cung tiền tăng nhanh
Theo số liệu cập nhật mới nhất của Tổng cục Thống kê, tăng trưởng tín dụng đến 20-6-2018 là 6,35%, tương đương tăng thêm hơn 413.000 tỉ đồng. Con số này thấp hơn tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán là 7,96%, tương đương hơn 652.000 tỉ đồng. Như vậy, chênh lệch giữa mức tăng thêm của cung tiền và tín dụng đã mở rộng từ mức hơn 119.000 tỉ đồng vào cuối quí 1 lên đến gần 239 ngàn tỉ đồng vào cuối quí 2. Mức chênh lệch trên là cao nhất kể từ tháng 12-2016 đến nay, khi mà các tháng trong năm 2017 mức chênh lệch chỉ duy trì ở mức vài chục ngàn tỉ đồng, thậm chí có thời điểm tín dụng còn tăng cao hơn cung tiền.
Trong khi đó, lượng trái phiếu phát hành mới trên thị trường sơ cấp trong sáu tháng đầu năm nay là 74.580 tỉ đồng, còn lượng trái phiếu đáo hạn chỉ khoảng 50% con số phát hành mới kể trên. Do vậy, nếu trừ đi lượng trái phiếu mà các tổ chức tín dụng mua ròng trên thị trường sơ cấp thì phần vốn dư ra trong hệ thống cũng còn gần 205.000 tỉ đồng.
Lượng cung tiền tăng mạnh chủ yếu đến từ việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục mua ròng ngoại tệ mạnh mẽ trong nửa đầu năm nay. Cụ thể, nếu như cuối năm 2017 dự trữ ngoại hối của NHNN là 52 tỉ đô la Mỹ, thì con số cập nhật gần nhất vào ngày 21-5-2018 đã lên tới 63,5 tỉ đô la Mỹ. Như vậy, chỉ trong vòng chưa đến sáu tháng, NHNN đã mua thêm 11,5 tỉ đô la Mỹ, tương đương hơn 260.000 tỉ đồng đã được bơm ra thị trường.
Thoái vốn thành công tại các doanh nghiệp nhà nước, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và kiều hối tiếp tục tăng trưởng tích cực, trong khi cán cân thương mại hàng hóa thặng dư cao là những điều kiện giúp NHNN có cơ hội mua được lượng ngoại tệ khổng lồ. Cụ thể, vốn FDI thực hiện sáu tháng đầu năm ước tính đạt 8,37 tỉ đô la Mỹ, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm 2017. Trong sáu tháng đầu năm 2018, còn có 2.749 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 4,1 tỉ đô la Mỹ, tăng 82,4% so với cùng kỳ năm 2017. Trong khi đó, dù tháng 5 và tháng 6 nhập siêu trở lại nhưng tính tổng thể sáu tháng, nền kinh tế vẫn đang xuất siêu 2,71 tỉ đô la Mỹ.
Để điều tiết lượng tiền đồng khổng lồ đã bơm ra qua kênh mua ngoại tệ, nhà điều hành đã tích cực hút ròng qua thị trường tín phiếu và thị trường mở. Tuy nhiên, con số hút ròng từ đầu năm đến nay chỉ hơn 60.000 tỉ đồng, gần như không thấm tháp gì so với lượng thanh khoản tiền đồng đã bơm ra.
Ở chiều cầu vốn, tăng trưởng tín dụng dù tích cực ngay từ những tháng đầu năm, nhưng tốc độ tăng là tương đối ổn định và ít có sự đột phá so với cùng kỳ. Cụ thể, cùng kỳ năm 2017 tăng trưởng tín dụng lên đến 7,54%, cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng cung tiền là 5,69%. Còn tăng trưởng tín dụng thời gian qua liên tiếp thấp hơn huy động vốn, đến 20-6-2018 tăng trưởng huy động vốn của toàn ngành tiếp tục ở mức cao 7,8%, theo đó chênh lệch giữa phần tăng thêm huy động vốn và tín dụng cũng tiếp tục được mở rộng ra, lên đến 118.800 tỉ đồng.
Những hệ quả tất yếu
Có thể thấy với việc GDP tăng mạnh ngay từ quí 1 và sáu tháng đầu năm đã đạt 7,08%, cao hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra trong năm nay là 6,7%, thì nhà điều hành không còn chịu nhiều áp lực phải đẩy mạnh vốn ra để hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế như năm 2017. Do đó, các ngân hàng trong năm nay khó có thể được nới hạn mức tăng trưởng tín dụng, vì vậy không có động lực phải tăng mạnh tín dụng trong thời điểm hiện nay.
Điều này càng khiến thanh khoản của hệ thống trở nên dư thừa. Hệ quả là các ngân hàng phải tích cực tìm đầu ra ở thị trường trái phiếu và thị trường liên ngân hàng, do đó đẩy lãi suất trên thị trường liên ngân hàng và trái phiếu rớt xuống mức thấp, nhất là trong bối cảnh Chính phủ cũng không nhất thiết phát hành trái phiếu bằng mọi giá khi mà tốc độ giải ngân vốn đầu tư công vẫn chậm. Lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn năm năm vẫn đang xoay quanh mức thấp 3,1% trong tháng 6, sau khi đã giảm về vùng đáy 3% từ tháng 2 năm nay; kỳ hạn 10 năm cũng chỉ xoay quanh vùng 4,3%. Trong khi đó, lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng cũng đã rớt về lại dưới 1% từ nửa cuối tháng 6.
Chênh lệch cung tiền mở rộng quá lớn so với tín dụng cũng tiềm ẩn rủi ro khó lường. Thứ nhất là gây áp lực lên lạm phát khi cung tiền mở rộng quá mức có thể đẩy giá tài sản và hàng hóa lên cao. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) sau khi tăng mạnh 0,55% trong tháng 5 thì đến tháng 6 tiếp tục tăng thêm 0,61% so tháng trước, theo đó so với cùng kỳ đã lên mức 4,67%. Nếu CPI tiếp tục duy trì ở mức cao như hiện nay thì mục tiêu lạm phát không vượt quá 4% trong năm nay là khó có thể đạt được.
Lượng thanh khoản dư thừa cũng kích thích các ngân hàng đầu cơ kinh doanh ngoại tệ nhiều hơn, nhất là khi lãi suất cho vay đô la Mỹ trên cả thị trường dân cư và thị trường liên ngân hàng đều duy trì ở mức cao. Vì vậy, không loại trừ trường hợp tỷ giá liên tiếp đi lên trong những ngày qua không chỉ đến từ sự mạnh lên của đồng đô la Mỹ trên thị trường quốc tế, mà còn đến từ chính nhu cầu lướt sóng ngoại tệ của các ngân hàng.
Thụy Lê