Vietstock - WB dự báo dịch COVID-19 tác động mạnh đến kinh tế châu Á
Nếu kịch bản xấu nhất xảy ra, tác động tiêu cực của dịch bệnh kéo dài sang năm tới, kinh tế khu vực này năm nay dự kiến giảm 0,5%, mức yếu kém nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997-1998.
* Kinh tế Thái Lan có thể suy thoái mạnh nhất châu Á
* Thận trọng! Đà tăng của chứng khoán châu Á có thể chỉ là một đợt phục hồi trong thị trường con gấu
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-2 tại Singapore ngày 26/2/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)
|
Đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 có nguy cơ khiến tăng trưởng kinh tế năm nay của Trung Quốc và những nước khác ở khu vực Đông Á-Thái Bình Dương giảm tốc đáng kể, theo đó hàng triệu người có nguy cơ rơi vào đói nghèo.
Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra cảnh báo này trong dự báo cập nhật được công bố ngày 30/3.
Báo cáo của WB cho biết, theo kịch bản tươi sáng nhất là kinh tế bắt đầu phục hồi từ mùa Hè tới, tốc độ tăng trưởng Đông Á-Thái Bình Dương sẽ giảm từ mức 5,8% của năm 2019 xuống 2,1% trong năm 2020; tăng trưởng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới - Trung Quốc giảm từ 6,1% năm 2019 xuống còn 2,3%.
Trong khi đó, nếu kịch bản xấu nhất xảy ra, tác động tiêu cực của dịch bệnh kéo dài sang năm tới, kinh tế khu vực này năm nay dự kiến giảm 0,5%, mức yếu kém nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997-1998.
Trong đó, các nền kinh tế Indonesia, Malaysia và Thái Lan lần lượt giảm 2,3%, 4,6% và 5%. Theo kịch bản này, kinh tế Trung Quốc sẽ gần như chững lại, với mức tăng chỉ 0,1%.
Nếu kịch bản tồi tệ này xảy ra, hơn 11 triệu người trong khu vực có nguy cơ rơi vào nghèo đói. Điều này hoàn toàn ngược lại với dự báo trước đó rằng tăng trưởng kinh tế khu vực năm nay sẽ đủ để 35 triệu người thoát nghèo.
Ông Aaditya Mattoo, chuyên gia kinh tế WB phụ trách khu vực Đông Á-Thái Bình Dương, cho biết 17 nền kinh tế trong khu vực, vốn có vai trò then chốt trong chuỗi giá trị toàn cầu và chiếm 70% kim ngạch thương mại thế giới, đều đang bị ảnh hưởng xấu bởi COVID-19, trong khi một số nước tại khu vực này đã ghi nhận số ca mắc cao nhất thế giới.
Chuyên gia này cho rằng đại dịch đang gây ra “cú sốc toàn cầu chưa từng thấy,” đồng thời nhấn mạnh ngoài hành động quyết liệt của mỗi chính phủ, sự hợp tác quốc tế chặt chẽ là liều vắcxin hiệu quả nhất trước mối nguy của bệnh COVID-19.
Với vai trò quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu, tăng trưởng kinh tế Đông Á-Thái Bình Dương giảm theo dự báo của WB sẽ tác động mạnh đến các nền kinh tế khác trên thế giới.
WB cho biết chưa hoàn tất bản dự báo tăng trưởng kinh tế đối với các khu vực khác trên thế giới, song Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva tuần trước cho rằng rõ ràng kinh tế thế giới đã rơi vào suy thoái và dự báo đợt suy thoái này sẽ tồi tệ hơn năm 2009 sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu./.