Vietstock - Viễn Thông A 'dừng bước' ở tuổi 22
Là người tiên phong bán lẻ điện thoại theo mô hình hiện đại, Viễn Thông A đã "chia tay" thị trường sau hơn 2 thập niên tồn tại.
Dù bảng hiệu vẫn còn xuất hiện ở nhiều vị trí đẹp tại TP HCM (HM:HCM), toàn bộ cửa hàng của chuỗi bán lẻ điện thoại, thiết bị công nghệ Viễn Thông A đã không còn hoạt động. Một số cửa hàng đóng kín, dán đầy thông báo cho thuê bằng mặt. Số khác có bảo vệ trực, cửa mở hờ, để lộ những quầy kệ trống.
Tại ngã tư đường 3/2 - Sư Vạn Hạnh (quận 10, TP HCM), cửa hàng Viễn Thông A thuộc hàng quy mô nhất khi còn hoạt động cũng chỉ còn bảo vệ trực mặt bằng. Đây cũng từng là trụ sở chính kiêm nơi tổ chức các buổi ra mắt, mở bán sản phẩm mới nhờ mặt bằng rộng và vị trí đắc địa.
Cửa hàng Viễn Thông A xuất hiện đầu tiên trong số các thương hiệu như Thế Giới Di Động, Viettel Store hay CellPhone S cùng trên đường 3/2, quận 10. Ảnh: Dỹ Tùng |
Hay tại vòng xoay Phú Lâm, ngay góc đường Kinh Dương Vương - An Dương Vương, cửa hàng Viễn Thông A có vị trí đắc địa với hai mặt tiền ở giao lộ sầm uất. Tuy nhiên, sau thời gian đóng cửa, bảng hiệu bên ngoài đã cáu bẩn. Hàng loạt tờ rơi thông báo cho thuê mặt bằng được dán xung quanh.
Viễn Thông A được thành lập vào tháng 11/1997, thuộc thế hệ chuỗi bán lẻ điện thoại đời đầu tại Việt Nam. Ở giai đoạn hoàng kim, Viễn Thông A từng có 240 cửa hàng trên toàn quốc, bao gồm cửa hàng độc lập và mô hình "shop-in-shop" trong hệ thống siêu thị BigC, CoopMart cùng 100 trung tâm bảo hành.
Chuỗi bán lẻ điện tử này cũng từng có nhiều năm nằm trong Top 500 nhà bán lẻ hàng đầu châu Á - Thái Bình Dương, theo xếp hạng của Retail Asia và Euromonitor. Cũng theo đơn vị này, doanh thu của Viễn Thông A vào năm 2013 là 102 triệu USD và tăng lên 416 triệu USD vào năm 2017.
Đầu năm 2017, bà Hoàng Ngọc Vy, Tổng giám đốc Viễn Thông A khi ấy, tiết lộ kế hoạch tái cơ cấu lại công ty và tìm kiếm nhà đầu tư để mở rộng kinh doanh. Sau đó, một số thông tin cho rằng phía công ty đã có những cuộc tiếp xúc đàm phán với Vingroup (HM:VIC). Tuy nhiên, diễn biến không được xác nhận và có thời điểm bị bác bỏ.
Quầy kệ bỏ trống tại cửa hàng Viễn Thông A ở góc đường Nguyễn Hữu Thọ - Lê Văn Lương, quận 7, TP HCM. Ảnh: Dỹ Tùng |
Tuy nhiên, ngày 14/9/2018, người đại diện theo pháp luật của Viễn Thông đã được thay đổi từ ông Huỳnh Việt Thương sang bà Mai Thu Thủy, một nhân sự cấp cao từng đảm nhiệm vị trí điều hành tại các công ty con của Vingroup.
Đến đầu tháng 11/2018, Vingroup xác nhận chính thức hoàn tất thương vụ mua lại toàn bộ chuỗi bán lẻ thiết bị công nghệ Viễn Thông A, với 100% tỷ lệ biểu quyết và 64,46% tỷ lệ lợi ích. Cũng trong quý IV/2018, Viễn Thông A hợp nhất với VinPro, hệ thống bán lẻ điện tử, điện máy được thành lập tháng tháng 3/2015. Ttính đến tháng 9/2019, hệ thống hợp nhất của cả hai có 242 cửa hàng.
Giai đoạn gần cuối năm 2019, VinGroup dần xóa bỏ thương hiệu Viễn Thông A và đẩy mạnh nhận diện cho thương hiệu VinPro. Theo đó, từ ngày 6/11/2019, khi truy cập website Viễn Thông A, người dùng sẽ được trỏ sang website của Vinpro. Trên Facebook (NASDAQ:FB), fanpage của Viễn Thông A cũng đổi tên thành VinPro.
Nhưng ngày 18/12, Vingroup tuyên bố trang thương mại điện tử Adayroi sẽ sáp nhập vào VinID trong khi toàn bộ hệ thống siêu thị điện máy VinPro giải thể trong tháng 12/2019.
Sau thời gian đóng cửa, bảng hiệu bên ngoài cửa hàng Viễn Thông A ở vòng xoay Phú Lâm, quận 6, TP HCM đã cáu bẩn. Ảnh: Dỹ Tùng |
Chỉ một hôm sau khi tin giải thể được công bố, người dùng truy cập vào website của Viễn Thông A hay VinPro cũng đều nhận thông báo hệ thống bán lẻ này ngưng hoạt động từ ngày 19/12. Cùng lúc đó, các cửa hàng của Viễn Thông A trên cả nước cũng tất bật thu dọn để trả mặt bằng.
Như vậy, Viễn Thông A "dừng cuộc chơi" sau khi là người tiên phong và từng có giai đoạn "tham chiến" quyết liệt trên thị trường bán lẻ di động. Ở một cửa hàng trên đường Nguyễn Thị Thập, quận 7, TP HCM, không khí kinh doanh còn sót lại là phần vỉa hè mặt tiền của Viễn Thông A được người dân tận dụng để kinh doanh quần áo thời vụ.
Dỹ Tùng