Vietstock - Những nỗi lo nào đang ám ảnh nhà đầu tư châu Á?
Hiện nhà đầu tư ở thị trường châu Á có rất nhiều lý do để bán ra cổ phiếu: Rủi ro Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất vào tháng 6/2018, nỗi lo về chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và đà suy yếu của đồng nội tệ.
Hiện tượng “bán trong tháng 5” (sell in May) có thể trở thành hiện thực trong năm nay: Trong ngày thứ Năm (03/05), chỉ số MSCI khu vực châu Á-Thái Bình Dương (ngoại trừ Nhật Bản) lùi 0.5% và nới rộng đà giảm 3 ngày khi phần lớn các chỉ số châu Á đều suy yếu theo Phố Wall. Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông có lúc lao dốc tới 2%, còn chỉ số cổ phiếu của Indonesia và Philippines mất ít nhất là 2.5%. Trong khi đó, thị trường Nhật Bản tạm ngưng giao dịch trong ngày thứ Năm (03/05).
Bên cạnh quyết định giữ nguyên lãi suất chuẩn tại cuộc họp tháng 5/2018, Fed cho biết lạm phát sẽ dao động gần mức mục tiêu trong trung hạn và họ kỳ vọng các điều kiện kinh tế sẽ phát triển và đủ để hứng chịu các tác động từ lộ trình nâng lãi suất từ từ trong tương lai.
“Dự báo của Fed về đà tăng của lạm phát là thông tin khá xấu đối với cổ phiếu, vì nó xác nhận khả năng Fed nâng lãi suất 3-4 lần trong năm nay, và lần gần đây nhất sẽ là vào tháng 6/2018”, Lex Azurin, Chuyên gia phân tích tại AB Capital Securities ở Manila, cho hay. Tỷ suất sinh lợi của cổ phiếu sẽ giảm bớt trong giai đoạn lãi suất và lạm phát gia tăng, ông nhận định.
Áp lực từ Fed
Việc Fed tuân thủ theo lộ trình nâng lãi suất trước đó sẽ tiếp tục thúc đẩy đồng USD và gây áp lực lên đồng HKD và cổ phiếu Hồng Kông, theo quan điểm của Ken Chen – Chuyên gia phân tích tại KGI Securities ở Thượng Hải.
“Giá cổ phiếu đang điều chỉnh để phản ánh mức giá mà tại đó, thị trường cho rằng sẽ bù đắp được cho đà tăng của lãi suất và lạm phát”, Jonathan Ravelas, Trưởng Bộ phận Chiến lược thị trường tại BDO Unibank, cho hay. “Sự suy giảm của giá cổ phiếu cũng thể hiện rằng nhiều nhà đầu tư đã phản ánh 2 đợt nâng lãi suất trong năm 2018 trước đó, nhưng với tuyên bố gần đây của Fed, nhiều khả năng sẽ là 3 đợt nâng lãi suất”.
Xung đột thương mại Mỹ - Trung
Xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn còn là một yếu tố mà nhà đầu tư cần phải để mắt tới. Gần đây, một quan chức cấp cao của Chính phủ Trung Quốc cho biết Bắc Kinh sẽ kháng cự trước các mối đe dọa từ Mỹ, qua đó cho thấy xung đột thương mại sẽ không suy giảm trong thời gian tới.
“Nỗi lo về thương mại vẫn còn đang ám ảnh thị trường, khi nhà đầu tư không nhận thấy khả năng Mỹ và Trung Quốc sẽ đưa ra giải pháp ngay lập tức”, Linus Yip, Trưởng Bộ phận Chiến lược ở First Shanghai Securities, cho hay.
Làn sóng bán tháo ở Indonesia
Cùng với Hồng Kông, nhà đầu tư ở Indonesia cũng đang trọng trạng thái bán tháo. Đồng Rupiah giảm 4 ngày liên tiếp xuống mức đáy năm 2016, còn chỉ số chứng khoán chuẩn của nước này thì có lúc giảm 2.5%.
“Đà suy giảm của đồng Rupiah tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực tới tâm lý nhà đầu tư cổ phiếu”, John Teja, Giám đốc tại PT Ciptadana Sekuritas Asia, cho biết. “Số liệu lạm phát tháng 4/2018 yếu hơn dự báo cũng báo hiệu lượng tiêu thụ vẫn ở mức thấp”.
Tác động của đồng nội tệ
“Ai lại muốn mua cổ phiếu ở một quốc gia có đồng nội tệ ngày càng yếu?”, ông Stephen Innes, Trưởng Bộ phận Giao dịch châu Á-Thái Bình Dương tại Oanda Corp., cho biết trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại. “Chúng ta dường như đang chuyển từ câu chuyện tăng trưởng đồng bộ trên toàn cầu (từ một vài tuần trước) sang câu chuyện suy giảm đồng bộ trên toàn cầu”.
Tâm lý lạc quan về thị trường Australia
Thị trường chứng khoán Australia leo dốc 5 ngày liên tiếp – chuỗi tăng dài nhất kể từ ngày 19/04/2018, đồng thời xóa bớt đà giảm kể từ tháng 2/2018.
Việc thị trường châu Á không giảm theo các thị trường quốc tế quả là điều hơi bất thường, ông Julia Lee, Chuyên gia phân tích cổ phiếu tại Bell Direct, cho hay. Hiện xuấ hiện một vài tín hiệu mua kỹ thuật sau khi chỉ số chuẩn của nước này phá ngưỡng 6,000 điểm, bà Lee nói rõ. “Có vẻ như nhà đầu tư hơi lạc quan về thị trường Australia”, bà nhận định.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)