Vietstock - Dầu WTI “bốc hơi” 29% trong tuần qua, mạnh nhất kể từ năm 1991
Các hợp đồng dầu thô tương lai lại đảo chiều giảm mạnh vào ngày thứ Sáu (20/03), qua đó góp phần nâng tổng mức lao dốc trong tuần qua của dầu WTI lên 29% - mức giảm hàng tuần mạnh nhất kể từ năm 1991 – khi các kế hoạch kích thích kinh tế từ Chính phủ và các Ngân hàng Trung ương không thể bù đắp được dự báo nhu cầu sẽ giảm sâu do đại dịch COVID-19, và khi Ả-rập Xê-út cùng Nga làm tăng tình trạng dư cung trên thị trường, MarketWatch đưa tin.
Giá dầu WTI chỉ một ngày trước đó đã ghi nhận phiên tăng mạnh kỷ lục, một phần nhờ những nhận định từ Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, cho thấy họ đang xem xét can thiệp vào cuộc chiến giá dầu giữa Ả-rập Xê-út và Nga.
“Điều này không giống bất cứ điều gì chúng ta đã từng trải qua trước đây”, Marshall Steeves, Chuyên gia phân tích thị trường năng lượng tại IHS Markit, nhận định. Ông Steeves cho rằng sự sụp đổ của giá dầu là do đà giảm sâu của nhu cầu khi nhiều khu vực bị hạn chế cách ly bao gồm California hiện giờ và với việc người dân New York làm việc tại nhà và không đi lại, cùng với việc sản lượng của Ả-rập Xê-út tràn vào thị trường cùng lúc nhu cầu đang suy yếu.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Sáu, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 4 trên sàn Nymex mất 2.79 USD (tương đương 11.1%) còn 22.43 USD/thùng. Hợp đồng này đã hết hạn vào cuối phiên.
Hợp đồng dầu Brent giao tháng 5 trên sàn Luân Đôn lùi 1.49 USD (tương đương 5.2%) xuống 26.98 USD/thùng.
Các hợp đồng dầu đã nhảy vọt trong ngày thứ Năm (19/03), nhưng vẫn ghi nhận tuần sụt giảm mạnh do nhu cầu toàn cầu chịu tổn hại từ đại dịch COVID-19 và kết hợp với cuộc chiến giá dầu Nga – Ả-rập Xê-út sẽ làm trầm trọng thêm thị trường đang trong tình trạng dư cung với nhiều sản lượng hơn.
Hợp đồng dầu WTI đã lao dốc 29.3% trong tuần qua, đánh dấu tuần giảm mạnh nhất kể từ tuần kết thúc ngày 18/01/1991, dữ liệu từ Dow Jones Market cho thấy. Hợp đồng dầu Brent sụt 20.3% từ đầu tuần đến nay.
Bloomberg News đưa tin vào ngày thứ Sáu rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ từ chối đệ trình những gì mà Chính phủ của ông xem coi là tống tiền dầu mỏ từ Ả-rập Xê-út. “Nga và Ả-rập Xê-út dường như đang ấp ủ cho một cuộc chiến thật sự”, Phil Flynn, Chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại Price Futures Group, chia sẻ.
Trong khi đó, Wall Street Journal (WSJ) đưa tin trong ngày thứ Năm (19/03) rằng các nhà lập pháp ở Texas, bang sản xuất dầu lớn nhất nước Mỹ, đang xem xét cắt giảm sản lượng. Một số giám đốc điều hành sản xuất dầu đã tìm đến Ủy ban Đường sắt Texas, Cơ quan quản lý ngành, để yêu cầu cứu trợ sau sự cố giá dầu.
Ngoài ra, WSJ còn cho biết các cơ quan quản lý ngành công nghiệp dầu mỏ ở Mỹ dự kiến tổ chức các cuộc thảo luận với Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) về một thỏa thuận ngừng chiến tiềm năng về thị phần dầu mỏ giữa Mỹ, Ả-rập Xê-út và Nga.
Dữ liệu từ Baker Hughes cho hay số giàn khoan dầu đang hoạt động tại Mỹ có tuần giảm mạnh, mất 19 giàn còn 664 giàn trong tuần này, cho thấy sự chậm lại trong sản xuất dầu thời gian tới.
Cũng trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, hợp đồng xăng giao tháng 4 sụt 11.6% xuống 60.54 xu/gallon, qua đó góp phần nâng tổng mức lao dốc trong tuần lên 32.7%. Hợp đồng dầu sưởi giao tháng 4 lùi 3.4% xuống 1.0063 USD/gallon và giảm 11.5% trong tuần qua.
Hợp đồng khí thiên nhiên giao tháng 4 mất 3% còn 1.604 USD/MMBtu. Tuần qua, hợp đồng này đã giảm 14.2%.
An Trần