Vietstock - Dầu Brent sụt hơn 4.5% xuống đáy 3 tháng
Các hợp đồng dầu thô tương lai giảm mạnh trong ngày thứ Hai (16/07), khi dữ liệu từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho thấy tăng trưởng kinh tế thế giới suy giảm và khả năng Mỹ miễn trừ các lệnh trừng phạt đối với Iran đã đẩy giá dầu Brent xuống mức đóng cửa thấp nhất trong 3 tháng, MarketWatch đưa tin.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Hai, hợp đồng dầu Brent giao tháng 9 trên sàn Luân Đôn sụt 3.49 USD (tương đương 4.6%) xuống 71.84 USD/thùng, mức đóng cửa thấp nhất kể từ ngày 17/04/2018, dữ liệu từ FactSet cho thấy. Hợp đồng này khép phiên gần sát ngay khu vực điều chỉnh.
Hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 8 trên sàn Nymex mất 2.95 USD (tương đương gần 4.2%) còn 68.06 USD/thùng – mức đóng cửa thấp nhất kể từ ngày 21/06/2018.
Phil Flynn, Chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại Price Futures Group, nhận định: “Thị trường đang trong tình trạng phòng thủ vì khả năng sử dụng tới dự trữ dầu toàn cầu”.
Hôm thứ Sáu (13/07), The Wall Street Journal đưa tin chính quyền ông Trump đang xem xét xả kho Dự trữ Dầu khí Chiến lược Mỹ (SPR), mặc dù việc làm giảm dự trữ dầu thô là không cấp bách.
Các chuyên gia phân tích tại ING Bank cho biết “Chính phủ Mỹ đang ngày càng chịu áp lực khi giá xăng nhảy vọt, trong đó giá xăng bình quân toàn quốc leo dốc gần 16% từ đầu năm đến nay”.
Fatih Birol, Giám đốc Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), cũng cho biết rằng gia tăng dự trữ dầu toàn cầu là một lựa chọn nếu thiếu hụt nguồn cung ngày càng nhiều, báo cáo từ The Wall Street Journal cho thấy.
Vào ngày thứ Hai, Reuters đưa tin cũng trong ngày thứ Sáu (13/07), Bộ trưởng Tài chính Mỹ, Steven Mnuchin, cho biết rằng Mỹ đang xem xét miễn giảm các lệnh trừng phạt Iran đối với một số nước cần thêm thời gian để giảm kim ngạch nhập khẩu dầu từ Iran.
Nhà đầu tư cũng tỏ ra e ngại về sự suy yếu của nền kinh tế toàn cầu, vốn có thể tác động tiêu cực đến nhu cầu dầu. Trong ngày thứ Hai, IMF cho biết tăng trưởng ở khu vực đồng tiền chung Euro (Eurozone), Nhật Bản và Anh đang chậm lại, đồng thời cảnh báo khả năng căng thẳng thương mại ngày càng leo thang là mối đe dọa lớn nhất trong ngắn hạn đối với tăng trưởng toàn cầu.
Trong khi đó, cuộc gặp giữa Tỗng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp tại Nga, Vladimir Putin, dường như không đưa ra bất kỳ thông tin quan trọng nào về thị trường dầu mỏ, mặc dù kỳ vọng rằng ông Trump sẽ thúc đẩy Nga gia tăng sản lượng để giúp làm giảm giá dầu.
Được biết, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cùng với các đồng minh như Nga, vốn đã cắt giảm sản lượng kể từ đầu năm 2017, đã đồng ý hồi cuối tháng 6/2018 sẽ bắt đầu tăng sản lượng thêm 1 triệu thùng/ngày trong bối cảnh gián đoạn nguồn cung toàn cầu.
Fawad Razaqzada, Chuyên gia phân tích kỹ thuật tại Tỷ giá.com, chia sẻ: “Sản lượng dầu tại Libya được phục hồi và nhiều sản lượng dầu hơn được dự báo sẽ bơm vào thị trường từ OPEC khi chúng ta bước vào nửa cuối năm nay, đáng chú ý nhất là từ Ả-rập Xê-út”.
Ngoài ra, một báo cáo của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) vào ngày thứ Hai dự báo sản lượng dầu từ 7 mỏ dầu đá phiến lớn của Mỹ tăng 143,000 thùng/ngày trong tháng 8/2018.
An Trần