Black Friday đã tới! InvestingPro giảm tới 60% OFF! Đừng bỏ lỡ!NHẬN ƯU ĐÃI

Thu hút FDI vào vùng ĐBSCL: Vùng đất mãi vẫn chỉ là 'giàu tiềm năng'!

Ngày đăng 02:01 25/06/2023
Thu hút FDI vào vùng ĐBSCL: Vùng đất mãi vẫn chỉ là 'giàu tiềm năng'!

Vietstock - Thu hút FDI vào vùng ĐBSCL: Vùng đất mãi vẫn chỉ là 'giàu tiềm năng'!

Khơi thông dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là giải pháp hiệu quả để tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của vùng đồng bằng sông Cửu Long – vùng kinh tế quan trọng ở phía Nam với vô vàn tiềm năng đang chờ được khai thác. Nhưng điều gì đang cản trở dòng chảy FDI vào khu vực này?

Đồng bằng sông Cửu Long chiếm tới 60% sản lượng lúa, 40% sản phẩm thủy sản của cả nước. Ảnh minh họa: Trung Chánh

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vốn được coi là vùng đất giàu tiềm năng về tự nhiên và con người. Trải dài trên diện tích 40.577 ki lô mét vuông với dân số trên 20 triệu người, đây là một vùng kinh tế trọng điểm, là địa bàn chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế – xã hội, văn hóa, quốc phòng – an ninh,… của cả nước. Nơi đây chiếm tới 60% sản lượng lúa, 40% sản phẩm thủy sản, đồng thời là địa bàn cung cấp nguồn nhân lực chính cho vùng Đông Nam bộ và TPHCM.

Chỉ hơn vùng núi phía Bắc và Tây Nguyên

Thừa hưởng nhiều lợi thế về điều kiện tự nhiên, ĐBSCL kỳ vọng trở thành vùng kinh tế tiềm năng của đất nước. Tuy nhiên, sau hơn 30 năm đổi mới, đến nay khu vực này vẫn chưa có sự bứt phá về thu hút FDI…

Trong quí 1-2023 ĐBSCL chỉ tiếp nhận được 19 dự án FDI mới, 22 dự án tăng vốn và 16 lượt nhà đầu tư góp vốn mua cổ phần, với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 250 triệu đô la Mỹ. Điều đáng quan tâm là có đến 10/13 địa phương thuộc ĐBSCL không thu hút được dự án nào.

Tính đến hết quí 1-2023, ĐBSCL thu hút được tổng cộng 1.694 dự án FDI với gần 35 tỉ đô la Mỹ vốn đăng ký; quy mô vốn rất nhỏ, chỉ đứng trên vùng núi phía Bắc và vùng Tây Nguyên.

Tốc độ giải ngân ì ạch

Tuy vậy việc xếp hạng về vốn đăng ký chưa phải quá quan trọng, số lượng và chất lượng số vốn thực hiện mới là giá trị đóng góp thực sự của FDI cho nền kinh tế vùng. Đây là chỉ tiêu ĐBSCL phải tính đến để tìm giải pháp khắc phục. Vì vậy, xin điểm lại một vài dự án có quy mô vốn FDI rất lớn so trong phạm vi cả nước mà nhà đầu tư nước ngoài đã chọn đầu tư vào ĐBSCL để đánh giá, từ đó thấy được phần nào những bất cập của công tác quản lý nhà nước đối với các dự án FDI sau cấp phép.

Một trong số đó phải kể đến dự án nhà máy điện khí tại Bạc Liêu. Dự án có công suất 3.200 MW và tổng vốn đầu tư đăng ký 93.600 tỉ đồng (gần 4 tỉ đô la, chiếm tới 90% vốn FDI đã đăng ký đầu tư tại Bạc Liêu). Tiến hành đàm phán từ năm 2018, đến năm 2020 dự án được cấp chứng nhận đầu tư với tiến độ sau 12 tháng sẽ hoàn thành thủ tục đầu tư (vào cuối 2020). Sau đó, trong 36 tháng sẽ triển khai xây lắp, lắp đặt đường ống dẫn khí vào bờ và vận hành tổ máy điện turbin khí giai đoạn 1 vào cuối năm 2027. Tuy nhiên, hiện tại dự án vẫn chưa thể triển khai do đang vướng mắc các thủ tục liên quan thuộc thẩm quyền các bộ, ngành ở trung ương, như quy hoạch và giá điện.

Tiếp đó, dự án nhà máy điện Long An 1 và 2, có tổng vốn đầu tư đăng ký 3 tỉ đô la, được cấp phép tháng 3-2021, nhưng chưa thực hiện bất kỳ thủ tục đầu tư nào. Cùng chung cảnh ngộ là dự án Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn 2 tại Cần Thơ, được cấp phép năm 2021, có công suất 1.050 MW, tổng vốn đăng ký đầu tư 1,3 tỉ đô la (chiếm tới 60% tổng vốn FDI đã đăng ký đầu tư tại Cần Thơ). Kế hoạch là đưa vào vận hành thương mại 2026-2027, nhưng đến nay mới thỏa thuận được khung hợp đồng mua khí từ Tập đoàn Dầu khí quốc gia, các thủ tục đều chậm so kế hoạch đặt ra.

Ngoài một số dự án có vốn lớn như vừa nêu còn giậm chân tại chỗ, tỷ lệ giải ngân vốn FDI ở ĐBSCL cũng rất khiêm tốn. Ví dụ, Cần Thơ thu hút được được 86 dự án FDI với vốn đăng ký 2,2 tỉ đô la, nhưng vốn thực hiện mới đạt khoảng 26%. Ở Long An, tính đến hết quí 1-2023 thu hút được 1.171 dự án với 10 tỉ đô la vốn đăng ký, nhưng tỷ lệ giải ngân chưa đến 40%;…

Những bất cập đang chờ được tháo gỡ

Tại Diễn đàn “Triển vọng đầu tư xây dựng hạ tầng – phát triển kinh tế đồng bằng sông Cửu Long” diễn ra ngày 10-6-2023 tại Cần Thơ, do Bộ Xây dựng phối hợp với UBND thành phố Cần Thơ tổ chức, vấn đề thu hút FDI cũng đã được đưa ra thảo luận. Các trao đổi đã cho thấy còn nhiều trở ngại cần được đánh giá cụ thể để có giải pháp xử lý phù hợp, nhằm khai thông dòng chảy ngoại lực quan trọng này.

Các chuyên gia đều đồng ý rằng, thực trạng trên cho thấy công tác hỗ trợ các dự án đầu tư, đặc biệt là các dự án có quy mô lớn, từ các cơ quan quản lý nhà nước ở các cấp chưa được chú ý đúng mức, gây cản trở và chậm tiến độ.

Còn đối với thực trạng 10/13 địa phương vùng ĐBSCL trong quí 1-2023 không thu hút được dự án nào, có thể do việc tổ chức hoạt động xúc tiến đầu tư chưa bài bản, chưa đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư tiềm năng về cung cấp xác thực thông tin về các dự án gọi vốn đầu tư nước ngoài; công tác nghiên cứu nhu cầu thị trường cũng như định vị nhà đầu tư tiềm năng còn hạn chế.

Đáng chú ý là công tác “xúc tiến đầu tư tại chỗ”, thông qua việc chăm sóc các nhà đầu tư hiện có, chưa được chú trọng, trong khi hỗ trợ để các nhà đầu tư hiện hữu thuận lợi triển khai các hoạt động đầu tư và kinh doanh mới là một trong những biện pháp xúc tiến đầu tư hữu hiệu nhất.

Bên cạnh đó, các thủ tục hành chính liên quan đến việc cấp phép trong quá trình xây dựng, sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp FDI còn kéo dài. Nhiều địa phương đã thực hiện một cửa tại chỗ nhưng mới chỉ là một cửa tiếp nhận và trả hồ sơ; sau đó hồ sơ vẫn phải chuyển qua nhiều cửa khác nhau, nên thời gian xem xét giải quyết các vấn đề cụ thể vẫn bị kéo dài. Có những nhà đầu tư thậm chí phải tìm thuê các công ty tư vấn “sân sau” để được việc. Những “dấu ấn” xấu về môi trường đầu tư đó chắc chắn sẽ được “chuyển tải” ra bên ngoài, kéo theo các hệ lụy xấu khác trong tương lai.

Khắc phục như thế nào?

Ngoài tiềm năng của một trung tâm sản xuất nông nghiệp của cả nước, ĐBSCL còn cho thấy có tiềm năng về phát triển công nghiệp, như phát triển điện gió ngoài khơi và công nghiệp chế biến nông, thủy, hải sản; đầu tư vào công nghệ cao nuôi trồng, canh tác, bảo quản nông, thủy, hải sản,… Tuy nhiên, nếu không có giải pháp xử lý khó khăn cho nhà đầu tư thì rất khó để biến tiềm năng đó thành nguồn lực phát triển thực sự.

Hiện nay, Chính phủ đang tập trung đầu tư nhiều hơn cho các dự án phát triển giao thông ở ĐBSCL, trên cơ sở triển khai Quy hoạch mạng lưới đường bộ giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2021.

Đây cũng là cơ hội tốt để ĐBSCL thu hút thêm đầu tư của khu vực tư nhân, trong đó có FDI, vào lĩnh vực hạ tầng và logistics. Nhưng để làm được điều này, trước tiên cần xác định rõ danh mục dự án phát triển hạ tầng mà khu vực tư nhân có thể tham gia theo phương thức đầu tư PPP với một số cam kết cụ thể.

Tiếp đó, cần ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao cho ĐBSCL, vì đây chính là một trong những điểm nghẽn quan trọng làm cho ĐBSCL trở nên kém hấp dẫn dưới con mắt nhà đầu tư.

Sau cùng là đẩy nhanh việc hoàn thiện pháp luật, cơ chế, chính sách theo hướng đồng bộ và nâng cao hiệu lực cũng như hiệu quả thực thi để tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư trên cơ sở rút kinh nghiệm từ các dự án đã và đang thực hiện.

TS. Phan Hữu Thắng (Nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài)

Bình luận mới nhất

Cài Đặt Ứng Dụng của Chúng Tôi
Công Bố Rủi Ro: Giao dịch các công cụ tài chính và/hoặc tiền điện tử tiềm ẩn mức độ rủi ro cao, bao gồm rủi ro mất một phần hoặc toàn bộ vốn đầu tư, và có thể không phù hợp với mọi nhà đầu tư. Giá cả tiền điện tử có độ biến động mạnh và có thể chịu tác động từ các yếu tố bên ngoài như các sự kiện tài chính, pháp lý hoặc chính trị. Việc giao dịch theo mức ký quỹ gia tăng rủi ro tài chính.
Trước khi quyết định giao dịch công cụ tài chính hoặc tiền điện tử, bạn cần nắm toàn bộ thông tin về rủi ro và chi phí đi kèm với việc giao dịch trên các thị trường tài chính, thận trọng cân nhắc đối tượng đầu tư, mức độ kinh nghiệm, khẩu vị rủi ro và xin tư vấn chuyên môn nếu cần.
Fusion Media xin nhắc bạn rằng dữ liệu có trên trang web này không nhất thiết là theo thời gian thực hay chính xác. Dữ liệu và giá cả trên trang web không nhất thiết là thông tin do bất kỳ thị trường hay sở giao dịch nào cung cấp, nhưng có thể được cung cấp bởi các nhà tạo lập thị trường, vì vậy, giá cả có thể không chính xác và có khả năng khác với mức giá thực tế tại bất kỳ thị trường nào, điều này có nghĩa các mức giá chỉ là minh họa và không phù hợp cho mục đích giao dịch. Fusion Media và bất kỳ nhà cung cấp dữ liệu nào có trên trang web này đều không chấp nhận bất cứ nghĩa vụ nào trước bất kỳ tổn thất hay thiệt hại nào xảy ra từ kết quả giao dịch của bạn, hoặc trước việc bạn dựa vào thông tin có trong trang web này.
Bạn không được phép sử dụng, lưu trữ, sao chép, hiển thị, sửa đổi, truyền hay phân phối dữ liệu có trên trang web này và chưa nhận được sự cho phép rõ ràng bằng văn bản của Fusion Media và/hoặc nhà cung cấp. Tất cả các quyền sở hữu trí tuệ đều được bảo hộ bởi các nhà cung cấp và/hoặc sở giao dịch cung cấp dữ liệu có trên trang web này.
Fusion Media có thể nhận thù lao từ các đơn vị quảng cáo xuất hiện trên trang web, dựa trên tương tác của bạn với các quảng cáo hoặc đơn vị quảng cáo đó.
Phiên bản tiếng Anh của thỏa thuận này là phiên bản chính, sẽ luôn được ưu tiên để đối chiếu khi có sự khác biệt giữa phiên bản tiếng Anh và phiên bản tiếng Việt.
© 2007-2024 - Công ty TNHH Fusion Media. Mọi quyền được bảo hộ.