Vietstock - Để đạt được mục tiêu công bằng thuế
Sau nhiều nỗ lực, cuối cùng Cục Thuế TPHCM đã tiến hành những bước đi đầu tiên cho việc thu thuế các cá nhân, tổ chức bán hàng trên mạng xã hội Facebook. Tuy nhiên, để có thể đạt được mục tiêu lớn nhất mà cơ quan thuế đề ra là đảm bảo sự công bằng về thuế giữa mọi hình thức, loại hình kinh doanh thì có lẽ cần phải có nhiều hơn sự nỗ lực, quyết tâm của ngành thuế.
Bước đi đầu tiên của ngành thuế TPHCM là gửi thư mời hơn 13.000 chủ tài khoản Facebook tại TPHCM có hoạt động kinh doanh trên Facebook đến làm việc. Mục đích, theo ông Nguyễn Nam Bình, Phó cục trưởng Cục Thuế TPHCM, là để hai bên trao đổi thông tin, xác định các cá nhân, tổ chức có hoạt động kinh doanh trên Facebook đã đăng ký kinh doanh, kê khai, nộp thuế theo đúng quy định hay chưa; trang mạng bán hàng là duy nhất hay hoạt động đồng thời với cửa hàng... Đây sẽ là cơ sở để cơ quan thuế vận động, đề nghị các cá nhân, tổ chức này thực hiện các nghĩa vụ thuế, giống như các đối tượng kinh doanh ở các loại hình, hình thức khác là doanh nghiệp, hộ kinh doanh đang làm bấy lâu nay.
Hình thức thu/nộp thuế áp dụng với người kinh doanh trên Facebook, theo bà Tạ Thị Lan Phương, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý thuế thu nhập cá nhân, Tổng cục Thuế (nói trên VietNamNet.vn), sẽ là thuế khoán, tức doanh thu trên 100 triệu đồng/năm, tương đương 8,4 triệu đồng/tháng thì người kinh doanh sẽ phải đóng thuế (gồm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân bằng tỷ lệ phần trăm doanh thu theo mặt hàng kinh doanh và thuế môn bài). Cũng theo bà Phương, cách duy nhất để cơ quan thuế có thể xác định được doanh thu của người kinh doanh trên Facebook là kiểm soát các yếu tố mà chắc chắn người kinh doanh phải sử dụng như địa điểm lưu trữ hàng hóa, dịch vụ chuyển phát hàng hóa, thanh toán qua ngân hàng hoặc thanh toán với người cung cấp hàng hóa. Việc này cũng tương tự như việc xác định doanh thu khoán của hộ kinh doanh dựa trên các tiêu chí về địa điểm, điện, nước, lao động...
Như vậy, có thể thấy, để tiến được đến bước có thể thu được thuế của người kinh doanh trên mạng Facebook, cơ quan thuế sẽ phải tốn rất nhiều nhân lực, thời gian, từ việc sàng lọc danh sách chủ tài khoản, so sánh đối chiếu... đến việc mời họ đến làm việc để xác định doanh thu.
Điều này, về nguyên tắc, là rất cần thiết bởi khó cũng phải làm để đảm bảo mục tiêu công bằng thuế cho tất cả các đối tượng kinh doanh, nhất là trong bối cảnh các hình thức kinh doanh mới, ứng dụng sự phát triển của công nghệ thông tin ngày càng nở rộ, vượt ra khỏi những khuôn khổ quản lý thuế truyền thống.
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu cuối cùng là đảm bảo sự công bằng về thuế, để những động thái trên không phải là phong trào thì ngành thuế phải giải quyết được những vấn đề nội tại của mình. Một thực tế đang diễn ra bao nhiêu năm qua ở lĩnh vực thuế khoán là tình trạng “chia thuế” giữa người nộp thuế và cán bộ thuế. Cũng là một con đường, một mặt hàng nhưng người kinh doanh này nộp thuế ít hơn người kinh doanh kia. Cũng là kinh doanh nhưng người thì phải đóng thuế, người lại không... Nguyên nhân của sự khác biệt nằm ở chỗ ai “quen thân” hơn ai dù hội đồng tư vấn thuế phường, xã đã được tăng cường.
Nay, với những người kinh doanh trên Facebook, không có hội đồng tư vấn thuế phường, xã, cũng rất thiếu những căn cứ bằng giấy trắng mực đen như hóa đơn giữa người bán và người mua, thanh toán tiền mặt vẫn là chủ yếu, giao nhận theo phương thức xe ôm, thỏa thuận miệng... thì không có gì đảm bảo những “vấn đề” như thời gian qua sẽ không xảy ra.
Vì vậy, mấu chốt lúc này là làm sao giám sát được việc thực thi của cán bộ thuế. Có như vậy thì công nỗ lực trước đó của ngành thuế mới không uổng phí, ngân sách mới có thể thu đúng, thu đủ, mục tiêu công bằng thuế mới đi vào bản chất. Đây cũng là cách để thay đổi dần ý thức tự giác của người nộp thuế.
Không chỉ vậy, để người kinh doanh trên mạng xã hội Facebook thực sự đồng thuận với việc thực hiện nghĩa vụ thuế, ngành thuế cũng cần xem lại ngưỡng chịu thuế. Quy định doanh thu từ 100 triệu đồng/năm, tương đương 8,4 triệu đồng/tháng, trở lên phải đóng thuế không phù hợp với tình hình thực tế xã hội, nhất là những thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM. Thậm chí, như nhiều người nói, đây là tận thu và vô hình trung làm thui chột ý thức tự giác của người kinh doanh.
Tóm lại, chuyện thu thuế với bất kỳ loại hình kinh doanh nào là điều chắc chắn phải làm. Tuy nhiên, người dân chỉ ủng hộ khi mức thuế phù hợp và tiền thuế thu được vào túi ngân sách chứ không phải là vào túi riêng của một số người. Quan trọng không kém, tiền thuế của người dân nhất thiết phải được chi tiêu đúng mục đích, không phải là để xây dựng những tượng đài ngàn tỉ, những cổng chào trăm tỉ... mà mục đích chỉ là cho sang, cho oai.