Vietstock - Khi nhà đầu tư thích công ty dược trong nước...
Từ năm ngoái đến nay, hoạt động đầu tư vào ngành dược trở nên sôi động hơn với những vụ mua bán - sáp nhập (M&A), nhượng quyền sản xuất..., có sự tham gia của luồng vốn đầu tư nước ngoài bao gồm các công ty đa quốc gia đang hoạt động ở trong nước. Có thể xem đây là cơ hội để thúc đẩy phát triển ngành dược trong nước nhưng cũng có ý kiến lo ngại về nguy cơ thị trường dược phẩm mất vào tay doanh nghiệp nước ngoài.
Sôi động M&A và nhượng quyền
Hồi giữa tháng 2 vừa qua, Công ty Chăm sóc sức khỏe Abbott tại Việt Nam (thuộc tập đoàn Abbott - Mỹ) cho biết Abbott đã nhượng quyền sản xuất 28 sản phẩm cho Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu y tế Domesco, gồm 17 loại thuốc thông thường và 11 loại thuốc điều trị ung thư. Theo thỏa thuận, Abbott sẽ hỗ trợ Domesco xây dựng nhà máy mới tại tỉnh Đồng Tháp và cung cấp sự tư vấn, hỗ trợ về công nghệ, kỹ thuật cũng như các chương trình đào tạo nguồn nhân lực thực hiện dự án này. Từ tháng 9 đến tháng 11-2017, Abbott sẽ cử nhiều đoàn khảo sát đến nhà máy của Domesco ở Đồng Tháp để đưa ra phương án nâng cao năng lực toàn diện cho Domesco.
Hiện Abbott đã nắm 51,69% vốn và Domesco gián tiếp là công ty con của tập đoàn này (Abbott đã mua vào tháng 11-2016) với chiến lược tập trung triển khai dự án nhà máy non-betalactam tiêu chuẩn EU-GMP dưới sự hỗ trợ từ công ty mẹ.
Trước đó, vào tháng 8-2016, Abbott đã hoàn thành thủ tục mua lại Công ty TNHH Dược phẩm Glomed của Việt Nam và nắm trong tay hai nhà máy chuyên sản xuất tân dược tại khu công nghiệp Việt Nam - Singapore ở Bình Dương, đồng thời, sở hữu một danh mục sản phẩm gồm thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau, thuốc tiêu hóa, hô hấp, tim mạch, sinh lý nữ cùng nhóm thuốc không kê đơn (OTC) với số lượng lớn.
Cũng trong thời gian trên, vào tháng 9-2016, tập đoàn Sanofi đã mở rộng quan hệ hợp tác chiến lược với
Tổng công ty Dược Việt Nam Vinapharm. Theo đó, Vinapharm sẽ sản xuất và tiếp thị các loại dược phẩm của Sanofi với thị trường Việt Nam cũng như với thị trường khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Tháng 7-2016, công ty dược phẩm Taisho Pharmaceutial Holdings (Nhật Bản) trực thuộc tập đoàn Taisho Holdings cũng đã hoàn tất việc mua lại 24,5% cổ phần của Công ty Dược Hậu Giang. Nhiều người đã biết Dược Hậu Giang có hệ thống phân phối khổng lồ với 12 công ty con, 24 chi nhánh và 68 nhà thuốc tại các bệnh viện trên cả nước.
Gần hơn là hồi đầu năm nay (2017), một vụ mua bán ở chiều ngược lại là Công ty cổ phần Dược phẩm Cửu Long đã mua 90% cổ phần Công ty Dược phẩm Euvipharm (thành viên của tập đoàn Valeant - Canada), tổng giá trị chuyển nhượng là 170 tỉ đồng. Euvipharm cũng đã đầu tư nhà máy gần 17 triệu đô la Mỹ tại Long An. Nhà máy này được đánh giá là nơi sản xuất dược quy mô lớn và hoàn chỉnh nhất Việt Nam.
Mở rộng thị phần trên mảnh đất màu mỡ
Việc các công ty dược nước ngoài chen chân vào thị trường trong nước một mặt được nhìn nhận là cơ hội để doanh nghiệp trong nước nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo động lực phát triển ngành dược quốc gia, nhưng mặt khác là nguy cơ đánh mất thị trường dược vào tay doanh nghiệp nước ngoài. |
Giải thích việc nhượng quyền và M&A trong lĩnh vực dược diễn ra nhộn nhịp thời gian vừa qua, dược sĩ Nguyễn Văn Liêm, nguyên giám đốc một nhà máy dược thuộc Công ty Dược Sài Gòn (Sapharco) kể chuyện ông từng được các công ty điều tra thị trường thăm dò ý kiến về thị trường mua bán các nhà máy và công ty dược ở Việt Nam. Theo ông Liêm, khi mua các nhà máy hay các công ty dược trong nước, các công ty đa quốc gia nhắm đến thị trường của công ty mà họ muốn mua chứ không phải mua cơ sở vật chất hay máy móc.
Thị trường dược của Việt Nam thì vẫn chưa có bước đột phá, tức còn nhiều tiềm năng, trong khi các công ty dược của Mỹ lại đang vấp phải chính sách ưu tiên sản xuất trong nước của Tổng thống Donald Trump. Chính sách này nhằm tạo công ăn việc làm và bán thuốc giá rẻ cho người dân nước Mỹ. Thuốc của Mỹ thường là hàng nghiên cứu độc quyền nên có giá cao, nếu phải bán với giá thấp thì các công ty khó thu hồi được vốn nghiên cứu. Trong khi đó, cách của các công ty Ấn Độ và Trung Quốc là sản xuất thuốc giá thấp và bán giá rẻ rất nhộn nhịp ở nhiều thị trường khác. Các công ty dược của Mỹ đã tính đến con bài nhượng quyền sản xuất hoặc mua cổ phần các công ty dược ở những nước có thị trường chưa phát triển, như Việt Nam, để có thể sử dụng lao động với giá rẻ hơn, bán thuốc giá thấp, cạnh tranh với các công ty dược khác.
Giám đốc phát triển của một công ty đa quốc gia về dược tại Việt Nam chỉ ra nguyên nhân thu hút các công ty dược nước ngoài gia tăng đầu tư tại Việt Nam là do luật sửa đổi về dược (có hiệu lực vào ngày 1-1-2017) ưu tiên trong hoạt động đấu thầu đối với nguồn nguyên dược liệu và sản phẩm trong nước, nếu đáp ứng được các yêu cầu về điều trị, giá thuốc và khả năng cung cấp. Luật mới cho phép nộp hồ sơ đăng ký thuốc generic sớm, trước khi biệt dược gốc hết hạn quyền sở hữu công nghiệp, thúc đẩy cạnh tranh giữa các doanh nghiệp nội địa, giảm dần sự phụ thuộc dược phẩm cũng như dược liệu nhập khẩu. Việc ưu tiên này là rào cản đối với các công ty dược ngoại ở trong nước, và các công ty đa quốc gia cũng như các nhà phân phối cần có đối tác trong nước đảm nhận nhiệm vụ đại diện mua và bán các sản phẩm của họ.
Và để có thể giành được các gói thầu trong bệnh viện, họ cần một đối tác trong nước theo cách chỉ cần một cái tên và thị trường hiện có; mạnh hơn nữa là họ mua cổ phần để trở thành cổ đông của công ty hoặc nhượng quyền sản xuất các sản phẩm nghiên cứu và trực tiếp tham gia đấu thầu thuốc vào bảo hiểm y tế...
Giám đốc phát triển thị trường của một công ty dược của Thụy Sỹ tại Việt Nam cũng cho rằng chính sách ưu tiên, ủng hộ hàng sản xuất trong nước đã “kích thích” sự gia tăng đầu tư của các công ty dược ngoại vào sản xuất trong nước. Họ đi tìm mua lại các công ty dược của Việt Nam có cơ sở hạ tầng tốt, có thị trường lớn, có năng lực sản xuất, có hướng mở rộng xuất khẩu, đặc biệt là có được chính sách ưu tiên trong đấu thầu. Việc mua một nhà máy (toàn bộ hoặc một phần) với mức vốn khoảng 100 triệu đô la Mỹ là việc không có gì khó đối với những tập đoàn đang có chiến lược mở rộng hoạt động ở các quốc gia có ngành công nghiệp dược chưa phát triển, một khi họ đã nhìn thấy tiềm năng của việc đầu tư vào thị trường dược ban đầu thường là có lợi nhuận - không nhiều thì ít.
Cũng theo vị này, trong khi các tập đoàn dược phẩm đa quốc gia tăng cường hoạt động tại Việt Nam thì lĩnh vực công nghiệp hóa dược của Việt Nam vẫn còn yếu, chậm phát triển, ít nghiên cứu thuốc mới; hoạt động sản xuất thì trùng lắp khá nhiều loại thuốc; mua bán thì phá giá, khả năng cạnh tranh kém... Nhiều nhà máy bị khủng hoảng buộc phải nghĩ đến chuyện bán cho nước ngoài.
Đứng trước tình hình như vậy, việc các công ty dược nước ngoài chen chân vào thị trường trong nước một mặt được nhìn nhận là cơ hội để doanh nghiệp trong nước nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo động lực phát triển ngành dược quốc gia, nhưng mặt khác là nguy cơ đánh mất thị trường dược vào tay doanh nghiệp nước ngoài.