Vietstock - Dự thảo điện mặt trời mới vẫn ưu ái bên mua
Bộ Công thương vừa công bố dự thảo mới về cơ chế khuyến khích phát triển dự án điện mặt trời mới tại Việt Nam, sẽ áp dụng sau tháng 6.2019.
Nhiều dự án điện mặt trời quy mô lớn được triển khai trong 2 năm qua. CHÍ NHÂN
|
Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11.4.2017 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam sẽ hết hiệu lực vào cuối tháng 6.2019. Để khuyến khich loại hình năng lượng này tiếp tục phát triển, Bộ Công thương đang lấy ý kiến cho dự thảo mới để trình Chính phủ ban hành và áp dụng sau thời điểm tháng 6.2019.
Giá điện sẽ phân theo vùng
Theo dự thảo này, giá mua bán điện mặt trời được phân theo vùng địa lý và các mô hình phát điện khác nhau. Cụ thể có 4 vùng địa lý khác nhau và 4 loại hình sản xuất điện mặt trời là: Dự án điện mặt trời nổi, dự án điện mặt trời mặt đất, dự án điện mặt trời tích hợp hệ thống lưu trữ, dự án điện mặt trời trên mái nhà.
Theo dự thảo, giá mua điện của các dự án điện mặt trời ở miền Nam (nơi có tiềm năng lớn) sẽ thấp hơn nhiều các tỉnh phía bắc. ĐÀO NGỌC THẠCH
|
Theo đó, giá mua điện mặt trời cao nhất là 2.486 VNĐ/kWh (tương đương 10,87 US Cent/kWh), áp dụng cho các dự án điện mặt trời trên mái nhà đối với các dự án điện tại vùng 1 là các tỉnh phía bắc và bắc miền Trung. Giá điện thấp nhất là 1.525 VNĐ/kWh (tương đương 6,67 US Cent/kWh), áp dụng cho các dự án điện mặt trời mặt đất tại khu vực vùng 4, là các tỉnh nam Trung bộ và nam Tây Nguyên.
Nhiều nút thắt chưa được "cởi".
Điểm đáng chú ý là tại Điều 7, chương II về trách nhiệm mua điện từ các dự án điện mặt trời nối lưới quy định: Bên mua điện có trách nhiệm mua toàn bộ điện năng được sản xuất từ các dự án điện mặt trời nối lưới trong điều kiện vận hành lưới điện cho phép; ưu tiên khai thác toàn bộ công suất, điện năng phát của các dự án điện mặt trời đưa vào vận hành thương mại.
Quy định “mua toàn bộ điện năng được sản xuất từ các dự án điện mặt trời nối lưới trong điều kiện vận hành lưới điện cho phép” chắc chắn sẽ làm khó cho các nhà đầu tư vì bên mua điện là Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN). Nếu không muốn mua, EVN có thể từ chối với lý do “lưới điện không cho phép”. Quy định này cần được nghiên cứu, điều chỉnh cho phù hợp với thực tế. Bởi trong thời gian gần đây ngành điện luôn thông tin về tình trạng quá tải mạng lưới truyền tải. Nếu nhà điện từ chối không mua vì một lí do gì đó, các dự án điện mặt trời trong thời gian tới rất khó phát triển.
Cũng tại điều 7, khoản 2, nêu: Việc mua bán điện được thực hiện thông qua hợp đồng mua bán điện mặt trời nối lưới được lập theo Hợp đồng mua bán điện mẫu do Bộ Công Thương ban hành. Đáng nói là hợp đồng mẫu trước đây, các tổ chức đều đánh giá chưa phù hợp với thông lệ quốc tế và vẫn còn nhiều ưu ái cho bên mua điện là EVN. Vì vậy, Hợp đồng mẫu cần phải được tiếp tục cải thiện sao cho hài hoà lợi ích giữa các bên và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Chí Nhân