Vietstock - Chứng khoán Trung Quốc và Hồng Kông giữ lại sắc xanh dù Phố Wall lao dốc
Chứng khoán châu Á rơi vào trạng thái trái chiều trong ngày thứ Ba (13/11) sau khi Dow Jones giảm hơn 600 điểm trong đêm qua.
Khép lại phiên giao dịch ngày thứ Ba (13/11), ở Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite tăng 0.93% lên 2,654.88 điểm, còn Shenzhen Composite tiến 1.628% lên 1,383.92 điểm.
Bên cạnh đó, chỉ số Hang Seng của Hồng Kông tăng 159.69 điểm (tương ứng 0.62%) lên 25,792.87 điểm.
Diễn biến trên thị trường chứng khoán châu Á vào lúc khép phiên ngày 13/11
Nguồn: CNBC
|
Trong khi đó, các thị trường chứng khoán châu Á khác đồng loạt nhuốm sắc đỏ.
Trên thị trường Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 giảm 2.06% xuống 21,810.52 điểm, còn Topix mất 2% còn 1,638.45 điểm. Cổ phiếu của nhà cung ứng cho Apple, Japan Display, khép lại phiên với mức giảm 9.52% sau khi công ty ghi nhận lỗ hoạt động trong 6 quý liên tiếp và hạ triển vọng, theo Reuters.
Ở Hàn Quốc, chỉ số Kospi hạ 0.44% xuống 2,071.23 điểm. Cổ phiếu của các ông lớn đầu ngành cũng giảm mạnh, trong đó cổ phiếu Samsung Electronics mất 1.55%, còn SK Hynix rớt 3.49%.
Bên cạnh đó, chỉ số ASX 200 giảm 1.8% và đóng cửa ở mức 5,834.2 điểm, trong đó gần như tất cả lĩnh vực đều giảm. Nhóm cổ phiếu năng lượng giảm 1.91%, còn chỉ số tài chính lao dốc 2.22%.
Nhóm cổ phiếu Big4 ngân hàng cũng đồng loạt giảm mạnh: Cổ phiếu ANZ sụt 1.22%, Commonwealth Bank (Australia) mất 1.21% và National Australia Bank giảm 1.53%. Đáng chú ý nhất, cổ phiếu ngân hàng Westpac giảm mạnh nhất về phương diện phần trăm với hơn 5.41%.
“Tâm lý lạc quan mà thị trường có được sau kết quả bỏ phiếu giữa nhiệm kỳ tại Mỹ nhanh chóng bị đảo ngược vì những nỗi lo về xung đột thương mại Mỹ-Trung và tác động từ các chính sách bảo hộ và thuế quan tới tăng trưởng toàn cầu”, Rakuten Securities Australia cho biết trong một báo cáo buổi sáng.
Phố Wall "cắm đầu"
Đêm qua, các chỉ số chính trên Phố Wall chìm sâu vào sắc đỏ sau khi đà lao dốc của cổ phiếu Apple, đồng USD mạnh và nỗi lo ngại về thương mại toàn cầu đè nặng lên tâm lý nhà đầu tư.
Cụ thể, chỉ số Dow Jones giảm 602 điểm (tương ứng 2.32%) xuống 25,387.18 điểm, chỉ số S&P 500 mất 54.79 điểm (tương ứng 1.97%) còn 2,726.22 điểm và chỉ số Nasdaq Composite “bốc hơi” 206.03 điểm (tương ứng 2.78%) xuống 7,200.87 điểm.
Dow Jones đã “bay hơi” 804 điểm trong 2 phiên, Nasdaq Composite thì trở về phạm vi điều chỉnh. S&P 500 thì chịu áp lực từ nhóm cổ phiếu tài chính, dẫn đầu là Goldman Sachs.
Mỹ nhắm tới châu Âu?
Tờ Axios ghi nhận, Tổng thống Mỹ Donald Trump nghĩ việc đe dọa áp thêm thuế lên lượng xe hơi sản xuất ở nước ngoài là chiến thuật đàm phán tốt nhất của ông về thương mại. Nguồn tin này cho biết, ông Trump đã nói với các trợ lý rằng ông có thể tiến tới một thỏa thuận thương mại tốt hơn với Canada vì ông đã đe dọa với Thủ tướng Canada, Justin Trudeau, bằng việc áp hàng rào thuế quan lên xe hơi sản xuất ở nước này.
Trước đó, ông Trump cân nhắc áp thêm thuế 25% lên xe hơi sản xuất bên ngoài nước Mỹ. Các nhà sản xuất xe hơi và Chính phủ nước ngoài đã lên tiếng chỉ trích ông Trump vì điều này, đồng thời lưu ý rằng hàng rào thuế quan này sẽ làm gia tăng chi phí xe hơi và tác động tới doanh số cũng như việc làm.
Thị trường tiền tệ và dầu
Chỉ số đồng USD – thước đo diễn biến của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác – ở mức 97.518, sau khi tăng từ mức 97 trong ngày hôm qua.
Đà tăng của đồng USD gần đây khiến một số nhà đầu tư nghi ngại về tác động của nó tới tăng trưởng lợi nhuận.
Trong khi đó, đồng Yên Nhật – được xem là một đồng tiền trú ẩn an toàn – được giao dịch ở mức 113.94 đổi 1 USD sau khi tăng từ mức trên 114.1 đổi 1 USD trong phiên trước. Đồng AUD dao động ở mức 0.7205 USD sau khi giảm từ mức trên 0.723 USD hôm qua.
Trên thị trường năng lượng, các hợp đồng dầu thô tương lai tiếp tục suy giảm sau khi đánh dấu 11 phiên giảm liên tiếp trong ngày thứ Hai (12/11) – chuỗi dài nhất trong lịch sử.
Hợp đồng dầu WTI tương lai giảm 1.28% xuống 59.16 USD/thùng, còn hợp đồng dầu Brent tương lai lùi 0.97% xuống 69.44 USD/thùng.
Vũ Hạo (Theo CNBC)