Vietstock - Hang Seng giảm hơn 450 điểm sau quyết định giữ nguyên lãi suất của Fed
Thị trường chứng khoán châu Á “đỏ sàn” vào buổi sáng ngày thứ Sáu (09/11) sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp chính sách mới nhất.
Tính tới lúc 10h ngày thứ Sáu (09/11 – giờ Việt Nam), thị trường chứng khoán Trung Quốc rơi vào phạm vi giảm điểm ngay từ phút đầu mở phiên. Cụ thể, chỉ số Shanghai Composite giảm 17.5 điểm (tương ứng 0.66%), còn Shenzhen Composite lùi 0.576%. Các nhà đầu tư đang theo dõi sát sao thị trường Trung Quôc vì cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung tiếp tục đè nặng tới tâm lý thị trường.
Ở Hồng Kông, chỉ số Hang Seng giảm 470.23 điểm (tương ứng 1.79%) vào đầu phiên.
Diễn biến tiêu cực trên thị trường Trung Quốc xảy ra sau khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và chỉ số giá sản xuất (PPI) tháng 10 đạt 2.5% và 3.3%, cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Những con số này cũng trùng khớp với dự báo từ cuộc thăm dò của Reuters.
Một chuyên gia kinh tế cảnh báo, mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc có thể ảm đạm hơn sau cuộc bỏ phiếu giữa nhiệm kỳ ở Mỹ.
“Kết quả là sẽ có thêm tín hiệu nhiễu và biến động ở trung Quốc”, Trưởng Bộ phận Kinh tế Mỹ tại TS Lombard, Steve Blitz, cho biết trong một báo cáo hôm thứ Năm (08/11), nhận định về môi trường hậu bầu cử. Nhiều thành viên Đảng Dân chủ, bao gồm Thượng nghị sĩ Chuck Schumer, có quan điểm “diều hâu” về Trung Quốc, ông Blitz cho hay.
Diễn biến trên thị trường chứng khoán châu Á vào lúc 10h giờ Việt Nam
Nguồn: CNBC
|
Trên thị trường Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 giảm 148.66 điểm (tương ứng 0.66%), còn Topix lùi 0.2% sau khi tăng vào đầu phiên. Ngoài ra, chỉ số Kospi của Hàn Quốc cũng giảm nhẹ 3.67 điểm (tương ứng 0.18%).
Bên cạnh đó, chỉ số ASX 200 của Australia hạ 25.5 điểm (tương ứng 0.43%) vào buổi sáng, khi các lĩnh vực chính rơi vào trạng thái trái chiều. Nhóm cổ phiếu năng lượng giảm 1.47%, còn chỉ số tài chính – vốn chiếm tỷ trọng cao trong chỉ số chung – lùi 0.11%.
Fed giữ nguyên lãi suất
Đúng như dự báo của thị trường, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) hoàn toàn nhất trí giữ nguyên lãi suất chuẩn ở mức 2-2.25%. Trước đó, thị trường dự báo Fed sẽ giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp lần này và có lẽ sẽ chấp nhận nâng lãi suất thêm 0.25% vào tháng 12/2018.
Về mặt tích cực, FOMC lưu ý rằng, tỷ lệ thất nghiệp đã giảm kể từ cuộc họp tháng 9/2018. Tuần trước, Bộ Lao động Mỹ công bố tỷ lệ thất nghiệp tổng thể ở mức 3.7%, thấp nhất kể từ tháng 12/1969.
Tuy nhiên, Ủy ban còn lưu ý “tăng trưởng của hoạt động đầu tư cố định của doanh nghiệp đã chậm lại từ mức tăng trưởng nhanh trước đó trong năm nay”.
Giá dầu WTI rơi vào thị trường con gấu
Các hợp đồng dầu WTI tương lai giữ ổn định ở mức 60.67 USD/thùng vào buổi sáng, còn hợp đồng dầu Brent tương lai tăng 0.23% lên 70.81 USD/thùng.
Các hợp đồng dầu thô tương lai giảm mạnh vào ngày thứ Năm (08/11), trong đó dầu WTI giảm phiên thứ 9 liên tiếp, qua đó đẩy giá dầu bước vào thị trường con gấu, khi đà tăng mạnh của sản lượng dầu thô từ các nhà sản xuất chủ chốt đã làm dấy lên lo ngại về sự dư cung trên thị trường.
Hôm qua, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 12 trên sàn Nymex lùi 1 USD (tương đương 1.6%) xuống 60.67 USD/thùng, mức đóng cửa thấp nhất kể từ tháng 3/2018. Hợp đồng này đã lao dốc hơn 20% từ đỉnh cao xác lập vào ngày 03/10/2018, xác nhận chính thức bước vào thị trường con gấu, dữ liệu từ Dow Jones Market cho thấy.
Hợp đồng dầu Brent giao tháng 1 trên sàn Luân Đôn mất 1.42 USD (tương đương 2%) còn 70.65 USD/thùng.
Thị trường tiền tệ
Chỉ số đồng USD – thước đo diễn biến của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác – dao động ở mức 96.64 sau khi rơi xuống mức 96 trong ngày hôm qua (8/11).
Đồng JPY ở mức 113.89 đổi 1 USD sau khi suy giảm từ mức trên 113.6 đổi 1 USD trong phiên trước. Đồng AUD được giao dịch ở mức 0.7249 USD, sau khi tăng lên trên 0.729 USD.
Vũ Hạo (Theo CNBC)