Vietstock - Shanghai lội ngược dòng thành công, Nikkei 225 vẫn rớt hơn 800 điểm
Thị trường chứng khoán châu Á “cắm đầu” trong ngày thứ Năm (25/10), nối gót phiên “đẫm máu” trên Phố Wall đêm qua, trong đó Dow Jones rớt hơn 600 điểm. Đáng chú ý, chứng khoán Trung Quốc đã lấy lại được sắc xanh sau khi giảm hơn 2.5% hồi đầu phiên.
Khép lại phiên giao dịch ngày thứ Năm (25/10), chỉ số Shanghai Composite lội ngược dòng thành công và lấy lại mốc tâm lý quan trọng 2,600 điểm. Cụ thể, chỉ số này nhích nhẹ lên 2,603.8 điểm. Trong khi đó, Shenzhen Composite vẫn còn giảm 0.34% xuống 1,292.8 điểm.
Nguồn: CNBC
|
Một nhà quan sát thị trường cho rằng, không gì có thể cản “con gấu” hoành hành trong tháng 10/2018.
“Con gấu chạy cực kỳ nhanh trong tháng 10/2018”, Dickie Wong, Tổng Giám đốc tại Kingston Securities, nói trên chương trình “Squawk Box" của CNBC trong ngày thứ Năm (25/10), khi nhà đầu tư dẫm đạp lên nhau để tháo chạy khỏi thị trường. Ông nói thêm, chỉ số Hang Seng có thể “tiếp tục kiểm định đáy mới”.
Cổ phiếu Cathay Pacific “bay hơi” 3.95% sau khi rơi xuống đáy 9 năm trước đó trong phiên giao dịch.
Hãng hàng không này cho biết, dữ liệu của khoảng 9.4 triệu hành khách, bao gồm số passport và số chứng minh thư Hồng Kông, đã bị tiếp cận mà chưa được phép, Reuters ghi nhận.
Đáng chú ý nhất trong ngày thứ Năm (25/10) là đà tụt dốc của Nikkei 225 của Nhật Bản. Chỉ số này rớt 822.45 điểm (tương ứng 3.72%) và khép phiên ở mức 21,268.73 điểm, còn Topix mất 3.1% xuống 1,600.92 điểm.
Ở Hàn Quốc, chỉ số Kospi giảm 1.63% xuống 2,063.3 điểm, với cổ phiếu của hai ông lớn Samsung Electronics và SK Hynix giảm ít nhất 3%. Kospi đã rớt hơn 16% trong năm 2018, dựa trên dữ liệu từ Thomson Reuters Eikon.
Cổ phiếu vẫn rớt mạnh mặc dù SK Hynix ghi nhận mức lợi nhuận hoạt động quý 3/2018 cao kỷ lục trong ngày thứ Năm (25/10), bất chấp đà suy giảm của giá chip điện tử. SK Hynix ghi nhận mức lợi nhuận vượt kỳ vọng nhờ doanh số bán thiết bị điện thoại và nhu cầu server mạnh, Reuters ghi nhận. Cổ phiếu SK Hynix giảm 3%, xóa bớt phần nào đà giảm trước đó.
Cổ phiếu Samsung tụt 3.64%. Trước đó trong ngày thứ Tư (24/10), nhóm cổ phiếu thiết bị bán dẫn ghi nhận phiên giao dịch tồi tệ nhất trong gần 1 thập kỷ.
Cũng trong ngày thứ Năm (25/10), chỉ số ASX 200 giảm ngày càng mạnh, lao dốc 164.9 điểm (tương ứng 2.83%) xuống 5,664.1 điểm, trước sức ép từ nhóm cổ phiếu năng lượng và tài chính (giảm tương ứng 2.65% và 3.02%).
Các cổ phiếu ngân hàng lớn đồng loạt sụt giảm, cổ phiếu ANZ lùi 2.55%, Commonwealth Bank hạ 2.38%, Westpac giảm 2.49% và National Australia Bank mất 2.5%.
Cổ phiếu của công ty quản lý tài sản lớn nhất Australia, AMP, “bốc hơi” tới 24.47% trong phiên chiều, sau khi công ty này cho biết sẽ bán mảng bảo hiểm nhân thọ với mức chiết khấu, dựa trên thông tin từ Reuters.
Nhóm cổ phiếu khai khoáng cũng giảm giá, với cổ phiếu Rio Tinto mất 4.52%, Fortescue lao dốc 5.7% và BHP sụt 3.96%.
Dow Jones xóa sạch đà tăng trong năm 2018
Chứng khoán Mỹ giảm mạnh vào ngày thứ Tư (24/10), xác nhận giai đoạn điều chỉnh của Nasdaq Composite cũng như xóa hết đà tăng của Dow Jones và S&P 500 từ đầu năm đến nay, khi dự báo đáng thất vọng từ các hãng sản xuất con chip và dữ liệu doanh số bán nhà ở yếu kém đã làm dấy lên lo ngại về nền kinh tế và tăng trưởng lợi nhuận.
Cụ thể, chỉ số Dow Jones giảm 608.01 điểm (tương đương 2.41%) xuống 24,583.42 điểm, chỉ số S&P 500 mất 84.59 điểm (tương đương 3.09%) còn 2,656.1 điểm và chỉ số Nasdaq Composite sụt 329.14 điểm (tương đương 4.43%) xuống 7,108.40 điểm.
Nasdaq Composite đã lao dốc 12.4% từ mức cao kỷ lục xác lập vào ngày 29/08/2018, sụt 4.4% trong ngày thứ Tư, đánh dấu phiên giảm mạnh nhất kể từ ngày 18/08/2011.
Chứng khoán đã chao đảo trong tháng này bởi một loạt những lo ngại, từ đà tăng của chi phí đi vay và lợi suất trái phiếu đến vấn đề ngân sách tại Italy và cuộc bầu cử Quốc hội Mỹ sắp diễn ra trong vòng chưa đến 2 tuần.
Chỉ số đo lường trạng thái biến động CBOE (VIX), thước đo tốt nhất về mức độ sợ hãi trên Phố Wall, cộng 4.52 điểm lên 25.23, mức đóng cửa cao nhất kể từ ngày 12/02/2018. S&P 500 đã lao dốc 6 phiên không ngừng nghỉ.
Các chuyên gia chỉ ra một vài yếu tố đã gây ảnh hưởng tới tâm lý thị trường trong vài tuần trở lại đây, bao gồm sự thất vọng về báo cáo lợi nhuận, xung đột về kế hoạch ngân sách giữa Italy và Liên minh châu Âu, căng thẳng địa chính trị xoay quanh cái chết của một nhà báo Ả-rập Xê-út và nỗi lo về khả năng giảm tốc của nền kinh tế toàn cầu. Ngoài ra, một yếu tố cũng đáng chú ý và đáng quan ngại là cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.
Vũ Hạo (Theo CNBC)