Vietstock - Lo đường cao tốc bị "rút ruột"!
Đề nghị Chính phủ đánh giá nghiêm túc hiện tượng số lượng lớn doanh nghiệp ngừng hoạt động.
Chiều 23-10, Quốc hội (QH) thảo luận tại tổ các kết quả thực hiện Nghị quyết về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công trung hạn…
Đại biểu QH Vũ Thị Lưu Mai bày tỏ băn khoăn về chất lượng dự án. Ảnh: ĐÌNH NAM
|
Đánh giá nền kinh tế có nhiều dấu hiệu lạc quan thông qua thành tích GDP 9 tháng cao nhất kể từ khủng hoảng kinh tế năm 2008, đại biểu (ĐB) Trần Hoàng Ngân (TP HCM) vẫn băn khoăn tình hình nợ công theo tỉ lệ giảm nhưng số liệu tuyệt đối lại tăng. Trong khi đó, nợ Chính phủ gia tăng dẫn đến khoản tiền trả nợ gốc hằng năm tăng, gây áp lực cho ngân sách. Theo tính toán, với bội chi đang ở mức 204.000 tỉ đồng thì mỗi năm phải bù đắp khoảng 350.000 tỉ đồng.
Theo ĐB Phạm Phú Quốc (TP HCM), tồn tại của nền kinh tế là khuynh hướng thành lập nhiều doanh nghiệp (DN) tư nhân nhỏ và vừa nhưng môi trường để các DN hoạt động lại chưa thật tốt, thể hiện ở số DN ngưng hoạt động, phá sản rất cao. ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) cho rằng không loại trừ trường hợp DN thành lập để mua bán hóa đơn, trốn thuế… rồi giải thể để mở DN mới, khiến số lượng DN mới tăng cao nhưng số lượng "chết" cũng nhiều.
Ông Nghĩa đánh giá điều hành kinh tế - xã hội của Chính phủ đang đúng hướng, dù tiến bộ chậm. Tuy nhiên, thu ngân sách từ 3 khu vực kinh tế đều giảm, thể hiện nội lực nền kinh tế giảm sút. Ông lưu ý Chính phủ phân tích rõ nguyên nhân, đặc biệt làm rõ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài có dấu hiệu chuyển giá hay không?
ĐB Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) bày tỏ băn khoăn về hiệu quả của nguồn lực ngân sách. Bên cạnh đó, chất lượng công trình, dự án hiện nay cũng đang là vấn đề nổi cộm.
Dẫn trường hợp đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi của chủ đầu tư là Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) sớm bị hư hỏng, bà Mai nhấn mạnh: "Đây chỉ là một ví dụ, còn bao nhiêu công trình khác? Có ý kiến cho rằng chúng ta đem tiền đổ xuống sông, xuống bể. Tiền đi vay thì thế hệ sau phải trả, nên phải sử dụng một cách hết sức thận trọng".
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng đề nghị đánh giá lại chất lượng các công trình hạ tầng, nhất là công trình đầu tư công khi dẫn chứng dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. "Chúng ta phải trả lời được câu hỏi là tại sao các công trình giao thông và công trình đầu tư công xuống cấp nhanh đến vậy? Có hay không chuyện rút ruột công trình? Có phải chất lượng thi công công trình không đúng với yêu cầu thiết kế? Thử hỏi ở nước nào đường cao tốc nhanh hỏng như nước ta?" - bà Nga thẳng thắn nêu hàng loạt câu hỏi.
Liên quan đến phòng, chống tham nhũng, ĐB Nga đánh giá việc ban hành các kết luận thanh tra những vụ việc phức tạp được đẩy nhanh, điển hình như vụ AVG, cảng Quy Nhơn, Đà Nẵng, Thủ Thiêm… Ngoài ra, có những "vùng" trước đây khó có thể "đụng" vào thì nay đã khác. Cụ thể, hàng loạt các vụ việc nổi cộm xảy ra trong thời gian qua như có sự tham gia của một số cán bộ công an, cán bộ cấp cao đã được xử lý như vụ đánh bạc trên mạng có sự tham gia của ông Phan Văn Vĩnh, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, hay như các vụ việc liên quan đến "Vũ nhôm", "Út trọc"…
Chiều nay (24-10), Trưởng Ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy sẽ trình bày Tờ trình về dự kiến danh sách những người được lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do QH bầu hoặc phê chuẩn. QH sẽ thông qua Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm vào chiều 25-10. |
Phương Nhung