Theo Dong Hai
Investing.com – Ngày 4/5, EU đã nhóm họp để thống nhất một lần nữa về gói trừng phạt mới vốn cần sự đồng thuận của toàn bộ quốc gia thành viên trước khi có hiệu lực. Tính đến hiện tại, EU đã thông qua 5 gói trừng phạt với Nga, trong đó có lệnh cấm vận với than đá, lệnh cấm xuất khẩu hàng hóa trị giá 10 tỷ Euro cho Nga và đóng băng tài sản của một số ngân hàng nước này. EU cũng đang mở rộng các mặt hàng cấm nhập khẩu từ Nga, bao gồm nguyên liệu thô và thiết bị quan trọng với giá trị ước tính 5,5 tỷ Euro mỗi năm.
Trước đó vào ngày 3/5, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh trả đũa phương Tây, nhắm vào "những hành động không thân thiện của các nhà nước nước ngoài và tổ chức quốc tế nhất định", theo Reuters.
Tình trạng các lệnh cấm vận qua lại giữa Nga và phương Tây, theo giới chuyên gia, có thể để lại nhiều hậu quả xấu cho kinh tế thế giới, bao gồm nguy cơ hiển hiện là một cuộc khủng hoảng lương thực nghiêm trọng.
Một ngày sau khi ký sắc lệnh, ông Putin phân tích chính những lệnh cấm vận mà phương Tây áp với Nga sẽ dẫn tới một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu. Reuters dẫn lời ông chủ Điện Kremlin nói trong cuộc họp về phát triển ngành sản xuất thực phẩm ở Nga rằng giá nhiên liệu tăng cao và tình trạng thiếu hụt phân bón đồng nghĩa các nước phương Tây sẽ in thêm tiền để mua nhu yếu phẩm, điều đó sẽ gây thiếu hụt lương thực ở các nước nghèo hơn.
Cả Nga và Ukraine đều là những nước xuất khẩu lúa mì và bắp (ngô) lớn. Nga chiếm gần 17% lượng cung toàn cầu về lúa mì, là nước xuất khẩu lớn nhất, trong khi Ukraine chiếm 12%. Giá lúa mì thế giới hiện đã tăng khoảng 33% so với cuối năm 2021.
Cuộc chiến tranh ở Ukraine diễn ra vào một thời điểm tồi tệ với thế giới bởi người nghèo và dễ tổn thương ở khắp nơi vốn đã khổ sở vì lạm phát cao và giá lương thực tăng, chưa kể chi phí nhiên liệu cũng tăng và các hạn chế thương mại. Sự thiếu hụt những hàng hóa đó và sự tăng giá nói chung càng gây sức ép lên lạm phát và an ninh lương thực, theo người phát ngôn của Ngân hàng Thế giới (WB).
Nga cũng là nước sản xuất hơn 50 triệu tấn phân bón mỗi năm, chiếm 13% tổng sản lượng toàn cầu. Ông Putin nói các lệnh cấm vận đã làm đứt đoạn mạng lưới logistics cung ứng phân bón từ Nga và Belarus, trong khi giá khí tăng khiến sản xuất phân bón đắt đỏ hơn ở phương Tây.
Ảnh hưởng cộng dồn của đứt gãy chuỗi cung ứng vì đại dịch COVID-19, giá nhiên liệu tăng cao và chiến tranh Ukraine sẽ rất khó lường. Chỉ số giá lương thực của Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO) đã tăng 38% giai đoạn từ tháng 1-2020 tới tháng 2-2022, rồi tăng thêm 12,7% nữa từ tháng 2 tới tháng 3-2022, lên mức kỷ lục. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) thì tiên đoán giá lương thực toàn cầu sẽ tăng 14% vào năm 2022 và vẫn tiếp tục tăng trong năm tới.