Vietstock - Thất thoát hàng tỉ USD vì logistics yếu và thiếu
Chiều tối 30.11, Hiệp hội Logistics TP.HCM tổ chức hội thảo “Nhận diện cơ hội và thách thức đối với dự phát triển ngành Logistics TP.HCM” tại TPHCM, với dự tham dự của lãnh đạo UBND TPHCM, Sở Công thương, Cục Hải quan TP.HCM...
Đầu tư manh mún cho ngành xương xống
Bà Đặng Thị Minh Phương, Chủ tịch Hiệp hội Logistics TPHCM (HLA) cho rằng, ngành logistics là "xương sống" của nền kinh tế, thế nhưng đầu tư cho ngành này còn vô cùng manh mún. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn còn tiềm ẩn nhiều khó khăn, ngành gặp nhiều thách thức lớn. Thế nên, TP.HCM nên ưu tiên trong gói kích cầu, coi đầu tư vào logistics là đầu tư kích cầu để hỗ trợ nhiều ngành nghề khác.
TPHCM phải coi đầu tư hạ tầng logistics như giải pháp kích cầu |
Đồng quan điểm, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương TPHCM thông tin, đóng góp của logistics TPHCM đang chiếm 8,9% GRDP của TP tương đương 117.000 tỉ đồng, chiếm khoảng 13% giá trị nền kinh tế. Thế nhưng, hệ thống logistics của chúng ta chưa làm gì nhiều, các cơ sở hiện tại đều gần hết công suất, một số quá tải. Hệ thống đường bộ, đường sắt, đường thủy chậm đầu tư. Những trục đường chính chưa hoàn thành, cảng kết nối giao thông thủy bộ cũng chưa bài bản. Cơ sở hạ tầng chỉ khai thác một thời gian ngắn nữa là hết công suất trong thời gian tới.
Số liệu cho thấy, có tới 54% số doanh nghiệp logistics tại VN có trụ sở ở TPHCM. Điều đó cho thấy, TPHCM cực kỳ hấp dẫn đối với ngành logistics. Thế nhưng đế nay, doanh nghiệp logistics nội địa chủ yếu làm dịch vụ từ các công ty nước ngoài, chi phí chưa thống nhất, cạnh tranh chưa lành mạnh, kho thiếu, đặc biệt kho lạnh thiếu trầm trọng… Ông Vũ nhận xét: “Chúng ta đang hoạt động trong bối cảnh phân mảnh, manh mún. Nếu không sớm đầu tư hạ tầng logistics, sẽ có các địa phương khác vượt mặt. Cũng vì thế, chi phí logistics của chúng ta đang ở mức cao, chiếm 19% GDP, các nước phát triển chỉ dưới 10%".
Logistics Việt Nam vẫn còn yếu tính liên kết vùng |
Lãnh đạo Sở Công thương TP.HCM thông tin 6 giải pháp mà TP đang tăng tốc đầu tư để phát triển logistics, trong đó, giải pháp thứ 6 là sẽ đầu tư xây dựng hệ thống trung tâm logistics gồm 8 trung tâm: Long Bình, Cát Lái - Phú Hữu, Linh Trung, Khu công nghệ cao, Tân Kiên, Củ Chi, Hiệp Phước. Ông Vũ nhấn mạnh: “TPHCM sẽ tạo điều kiện cho nhà đầu tư tham gia và xem việc đầu tư vào logistics như một giải pháp kích cầu”.
Nguồn lợi rơi vào tay doanh nghiệp ngoại
Trong tham luận “Thách thức và cơ hội ngành logistics dưới góc nhìn của Hải quan TP.HCM”, ông Đinh Ngọc Thắng - Cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM khẳng định hải quan là một phần quan trọng trong chuỗi logistics. Trong giai đoạn 2015-2020, hàng hóa xuất nhập khẩu qua cảng khu vực cảng TPHCM gián tiếp và trực tiếp khoảng hơn 1.000 tỷ USD, tăng gần 40% so với giai đoạn 5 năm trước. Tính hết tháng 11 năm nay, bất chấp dịch Covid-19, xuất nhập khẩu qua cảng khu vực TP cũng tăng 16% so cùng kỳ năm ngoái. Thu ngân sách của ngành chỉ còn vài ngày nữa đạt chỉ tiêu kế hoạch được giao. Điều đó cho thấy, tiềm năng của ngành logistic của TPHCM là rất lớn. Tuy nhiên, kết quả thu được chưa tương xứng với tiềm năng do thiếu đầu tư. Ông Thắng dẫn chứng, tình trạng kẹt tại cảng ngày càng trầm trọng. Xe container vào cảng Cát Lái phải nhích từng tí một, mất 3-4 tiếng đồng hồ mới vào được, mỗi xe chỉ quay đầu ra được 1 lần trong ngày, rất lãng phí. Ngay cảng Tân Sơn Nhất cũng vậy, thương mại điện tử tăng 22%, trong khi các kho hàng chuyển phát nhanh quá nhỏ, chỉ phù hợp cho lượng hàng từ của năm 1995… "Chúng ta muốn xây dựng TP thành trung tâm tài chính, trung tâm du lịch nhưng tàu bè vào không được. Trung tâm du lịch phải có trung tâm mua sắm miễn thuế, nhưng chúng ta không có nơi cho khách tiêu tiền rất phí. Mỗi năm hải quan TP hoàn thuế cho khách mua hàng hiệu tầm 200 triệu USD, con số này không cao so với tiềm năng lớn của chúng ta."- ông Thắng nhấn mạnh.
|
Cũng theo ông Thắng, có đến 85% doanh nghiệp logistics Việt vốn dưới 10 tỉ đồng, chỉ tham gia dịch vụ cơ bản như đóng gói. Họ thiếu vốn, nhân lực, công cụ và công nghệ để phát triển xứng tầm vóc, quy mô của thị trường. “Chúng ta chủ động với nhiều lợi thế là có cảng, có kho bãi, nhân lực, doanh nghiệp kinh doanh cảng cũng của trong nước, trong khi doanh nghiệp nước ngoài chỉ có tàu vận tải nhưng giá trị gia tăng của ngành logistics đang rơi vào tay doanh nghiệp ngoại là điều vô cùng lãng phí, xót xa”, ông chia sẻ.
Thông tin tại Hội thảo, ông Huỳnh Văn Cường, Phó Chủ tịch HLA, cho biết Hiệp hội đã bổ sung quy hoạch lập cảng nước sâu ở Cần Giờ, khu vực đề xuất là Phú Lợi, nâng quy mô, công suất đón tiếp tàu lớn… Nhiều ý kiến của doanh nghiệp sử dụng dịch vụ logistics, logistics cũng cho rằng, ngành logistics đang được đầu tư thiếu tính chuyên môn hóa cao. Dịp Covid-19 vừa qua đã bộc lộ sự thiếu hụt, yếu kém rõ hơn. Đó là thiếu kho hàng chuyên dụng, phương tiện vận chuyển, thiếu sự tập trung quy mô cho từng ngành. Lợi thế trong cạnh tranh chuỗi cung ứng và áp dụng công nghệ còn yếu, xập xệ, khập khiễng, chưa có kết nối hoàn hảo giữa các địa phương và TPHCM, trong khi 65% hàng hóa từ khu vực phía Nam là cung cấp cho cả nước.
Nguyên Nga