Vietstock - Nóng vé máy bay tết, ảm đạm vé tàu
Bất chấp Covid-19, hàng vạn vé máy bay, tàu lửa vẫn được các doanh nghiệp vận tải cung ứng trong dịp Tết Nguyên đán 2021.
Vẫn còn khoảng 100.000 vé tàu tết chưa có người mua ảnh: khả hòa
|
Nguồn vé dồi dào, không có hiện tượng khan hiếm, song giá vé những ngày cao điểm tết vẫn ở mức rất cao.
Hàng không đua “bung” vé tết
Từ giữa tháng 8, bất chấp dịch Covid-19 còn nhiều diễn biến phức tạp và gần nửa năm nữa mới đến Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, các hãng hàng không đã bắt đầu “tung” hàng triệu vé máy bay tết ra thị trường. Là hãng hàng không mở bán vé tết sớm nhất, ngày 12.8, Vietjet (HM:VJC) Air chính thức phát đi thông báo mở bán tới 1,5 triệu vé tết trên hơn 50 đường bay nội địa phủ khắp cả nước. Ngay sau đó, Bamboo Airways cũng nhanh chóng “đăng đàn” mở bán 1,2 - 1,5 triệu vé máy bay tết 2021 trên tất cả đường bay nội địa, thời gian bay từ ngày 22.1 - 28.2.2021.
Mọi năm Vietnam Airlines (HN:HVN) đều phải tăng chuyến đi nước ngoài như Singapore, Thái Lan, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc... dịp tết, năm nay lượng khách này dồn vào du lịch nội địa tết, nên các đường bay đến điểm du lịch tăng trưởng tốt Ông Đặng Anh Tuấn, Trưởng ban Truyền thông Vietnam Airlines |
Đáng chú ý, số lượng chuyến cung ứng trong các ngày cao điểm tết tại đường bay trục TP.HCM (HM:HCM) - Hà Nội ở mức rất cao. Như Vietjet Air, riêng chiều TP.HCM - Hà Nội ngày 6.2 (25 tháng chạp) số lượt chuyến hãng này cung ứng theo thông tin bán vé trên website lên tới 30 chuyến, rải đều từ 5 giờ đến 22 giờ. Với Vietnam Airlines (bán vé gộp cả các chuyến bay của Pacific Airlines), riêng chuyến TP.HCM - Hà Nội trước tết đã có tới 33 chuyến rải đều từ 5 giờ đến 23 giờ 30. Số chỗ mở bán tết của Vietnam Airlines năm nay thậm chí cao hơn năm Canh Tý 2020 của hãng này (2,4 triệu so với 2,23 triệu chỗ).
Mới đây, Vietnam Airlines Group (Vietnam Airlines, Pacific Airlines và VASCO) cũng phát đi thông báo: Để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, các hãng sẽ tăng thêm hơn 414.000 chỗ (tương đương hơn 2.100 chuyến bay). Tổng số ghế trên mạng bay nội địa dịp tết lên tới 2,4 triệu chỗ - tương đương gần 12.000 chuyến bay.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Đặng Anh Tuấn, Trưởng ban Truyền thông Vietnam Airlines, cho biết không chỉ Vietnam Airlines mà các hãng khác cũng đều xây dựng phương án mở bán lượng vé tết tương đương hoặc nhiều hơn năm ngoái, do dự báo nhu cầu cao từ thị trường. Từ cuối tháng 11, nhiều đường bay của hãng hàng không quốc gia dịp cao điểm tết đã đầy từ
50% đến trên 90% số ghế. Các chuyến bay tiếp tục có hiện tượng “lệch đầu”, tức là đầy chỗ trên chiều bay từ các TP lớn như Hà Nội, TP.HCM về các tỉnh, thành nhỏ hơn như Thanh Hóa, Vinh, Huế, Buôn Ma Thuột, Quy Nhơn, Quảng Nam… vào giai đoạn áp tết, và ngược lại vào giai đoạn sau tết.
“Nhu cầu thị trường đang tốt lên, tỷ lệ khách booking tăng. Mọi năm Vietnam Airlines đều phải tăng chuyến đi nước ngoài như Singapore, Thái Lan, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc… dịp tết, năm nay lượng khách này dồn vào du lịch nội địa tết, nên các đường bay đến điểm du lịch tăng trưởng tốt”, vị này thông tin.
Số chỗ vé máy bay tết được cung ứng rất nhiều, song giá vé vẫn cao Ảnh: Đậu Tiến Đạt
|
Giá cao tương đương năm không dịch
Mặc dù số lượng vé cung ứng ra thị trường rất nhiều và còn gần 2 tháng nữa mới đến tết nhưng tại một số chặng bay “hot” đã báo hết các dải vé giá rẻ. Đơn cử, đặt vé máy bay trên trang web của Vietnam Airlines, 12 chuyến bay chặng TP.HCM - Đà Nẵng ngày 6.2 (25 tháng chạp), bao gồm cả chuyến do Hãng Pacific Airlines khai thác cũng đều báo hết vé hạng phổ thông tiết kiệm, phổ thông tiêu chuẩn, chỉ còn vé hạng phổ thông linh hoạt và vé thương gia.
Vé xe phải chờ cuối tháng 12 Mở bán muộn hơn so với hàng không và đường sắt, hai bến xe lớn nhất TP.HCM là Bến xe Miền Đông và Bến xe Miền Tây dự kiến đến giữa hoặc cuối tháng 12 mới có thông tin vé tết. |
Đặt vé cho bố mẹ về quê ở Thanh Hóa ăn tết, chị Quỳnh (Bà Rịa-Vũng Tàu) giật mình khi giá vé máy bay tết rất cao. “Tôi sợ sát ngày vé tết sẽ đắt nên đã đặt từ cuối tháng 11. Nhưng nếu đặt đúng đợt cao điểm từ 25 tháng chạp thì giá vé từ TP.HCM - Thanh Hóa cả 3 hãng ở mức rất cao: 7 - 8 triệu/vé khứ hồi mỗi người, tương đương năm ngoái. Nhưng năm nay, do Covid-19 nên kinh tế cũng eo hẹp hơn, gia đình bàn bạc và thống nhất đặt vé sớm cách tết hơn 20 ngày để các cụ về quê trước, còn vợ chồng con cái về sau để giảm bớt chi phí”, chị Quỳnh chia sẻ.
Theo khảo sát trên hệ thống bán vé của Vietnam Airlines, giá vé tết chiều TP.HCM - Hà Nội trong đợt cao điểm trùng với lịch nghỉ tết, mức vé thấp nhất chiều phổ thông từ 3,58 triệu/chiều/người; mức vé hạng thương gia lên tới 7,96 triệu đồng/chiều/người. Ngay cả một số đường bay lẻ như TP.HCM - Thanh Hóa, mức giá cũng rất cao, từ 3,58 triệu đồng/chiều/người trong giai đoạn trước tết.
Với Vietjet Air, chiều đi ngày 6 - 10.2 từ TP.HCM - Hà Nội, giá vé sau thuế phí thấp nhất trên 3 - 3,5 triệu đồng/chiều/người. Giá vé chiều TP.HCM - Vinh (Nghệ An), một trong những đường bay địa phương khá nóng giai đoạn trước tết từ 6 - 10.2 ở mức cao, giá vé gồm thuế phí thấp nhất từ 3,5 triệu đồng/chiều/người.
Mức giá của Bamboo Airways cũng tương tự. Trong ngày 7.2.2021, Bamboo Airways có 9 chuyến bay từ TP.HCM - Hà Nội. Chỉ sau vài ngày mở bán hãng đã báo hết vé hạng tiết kiệm, chỉ còn vé plus (hạng phổ thông linh hoạt) giá 3,426 triệu đồng/chiều, các chuyến bay cũng chỉ còn từ 1 - 5 ghế tùy khung giờ, và 5,752 triệu đồng hạng thương gia. Số ghế còn lại cũng rất ít. Chiều ngược lại, bay từ Hà Nội - TP.HCM ngày mùng 5 tết giá còn “chát” hơn: 3,64 triệu đồng/vé hạng plus, gần chạm trần.
Đại diện một hãng hàng không cho biết trong 1 năm, ngành hàng không có 2 giai đoạn cao điểm để “hốt bạc” là mùa du lịch hè và mùa tết. Trong 2 mùa này, các hãng hàng không luôn cố gắng tăng số chuyến bay đáp ứng tối đa nhu cầu của hành khách nhưng do nhiều yếu tố, chắc chắn cung vẫn không thể đủ cầu.
Vì thế theo đúng cơ chế thị trường, không thể có vé giá rẻ. Bên cạnh đó, do nhu cầu quá cao nên hầu hết khách hàng hiện nay không còn ngồi đợi hãng mở bán mới vào mua mà họ đặt trước qua các đại lý, khi hãng vừa chính thức tung vé, đại lý sẽ đăng ký ngay, “hốt” dải vé rẻ hơn nên dẫn tới tình trạng vừa mở bán đã hết vé giá rẻ.
Giảm nhiệt, giá vé tàu vẫn cao
Không chỉ hàng không, ngành đường sắt năm nay cũng chính thức mở bán vé tàu tết từ ngày 1.10, sớm hơn mọi năm. Riêng Công ty cổ phần vận tải đường sắt Sài Gòn, mở bán 210.000 vé tàu Tết Tân Sửu 2021. Tuy nhiên, khác với hàng không, sức mua vé tàu năm nay chậm hơn rõ rệt. Trong ngày đầu mở bán, Đường sắt Sài Gòn ghi nhận có 10.000 vé tàu đặt mua đã thanh toán và 36.000 vé đã được đặt giữ chỗ. Trên hệ thống bán vé tàu điện tử, lượng khách truy cập cao nhất là 20.000 người cùng một thời điểm, số lượng giảm khoảng một nửa so với các năm trước. Sau gần 1 tháng mở bán, đến cuối tháng 10, lượng vé bán được mới chỉ đạt khoảng 70.000/210.000 vé. Ngày 25.11, Tổng công ty đường sắt VN tiếp tục mở bán vé tàu tết đợt 2, cung ứng thêm ra thị trường hàng trăm ngàn vé, trong khi vẫn còn hơn 82.000 vé tàu từ đợt 1 chưa tìm được chủ.
Mặc dù áp dụng nhiều chương trình khuyến mãi nhưng theo khảo sát, giá vé tàu khá cao, thậm chí tương đương vé máy bay tại một số chặng.
Đơn cử, giá vé ngồi mềm điều hòa chuyển đổi mác tàu SE10 đi từ TP.HCM đến Hà Nội khởi hành vào ngày 6.2.2012 (tức 24.12 âm lịch) có giá hơn 2 triệu đồng/vé; giá vé nằm điều hòa hơn 2,6 triệu đồng/vé. Nếu mua vé sớm, hành khách hoàn toàn có thể “săn” được vé máy bay với mức giá này, trong khi thời gian di chuyển chỉ bằng khoảng 1/6 đi tàu.
So với xe khách chất lượng cao, tàu lửa cũng đang thất thế. Khảo sát, vé tàu từ TP.HCM đi Diêu Trì (Bình Định) ngày 9.2 (tức 28.12 âm lịch) đối với tàu SE6, loại giường nằm tầng 3 khoang 6 giường, có giá 1,345 triệu đồng/vé, cao hơn 2 lần so với giá vé giường nằm điều hòa của một hãng xe khách chất lượng cao trong Bến xe Miền Đông. Cũng trên đoàn tàu này, ghế phụ có giá 746.000 đồng/vé, vẫn cao hơn vé giường nằm xe khách. Mức chênh lệch giá, thời gian chạy tàu lâu hơn chính là lý do khiến nhiều người chọn đi xe khách giường nằm chất lượng cao thay vì đi tàu lửa.
Mai Hà