Vietstock - Vàng thế giới khởi sắc, vọt hơn 15 USD sau dữ liệu sản xuất yếu kém tại Mỹ
Các hợp đồng vàng tương lai quay đầu tăng mạnh vào ngày thứ Ba (01/10), khi đà giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2009 của chỉ số sản xuất tại Mỹ đã khiến các chỉ số chứng khoán chìm trong sắc đỏ, qua đó thúc đẩy nhu cầu trú ẩn an toàn của kim loại quý, MarketWatch đưa tin.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Ba, hợp đồng vàng giao tháng 12 tiến 16.10 USD (tương đương 1.1%) lên 1,489 USD/oz, sau khi sụt 2.2% vào ngày thứ Hai (30/09).
Theo CNBC, cũng trong ngày thứ Ba, hợp đồng vàng giao ngay cộng 0.7% lên 1,482.28 USD/oz.
Vào ngày thứ Ba, Viện Quản lý Nguồn cung (ISM) cho biết chỉ số sản xuất tại Mỹ giảm từ 49.1% xuống 47.8% trong tháng trước, đánh dấu mức thấp nhất kể từ tháng 06/2009. Đó là khi cuộc Đại suy thoái kết thúc.
Dữ liệu này đã thúc đẩy tâm lý né tránh rủi ro, làm chứng khoán Mỹ chìm trong sắc đỏ.
Tuy nhiên, vàng đã gặp nhiều khó khăn gần đây khi đồng USD mạnh hơn so với các đồng tiền chủ chốt khác và chứng khoán Mỹ nhảy vọt. Chỉ số đồng USD (ICE U.S. Dollar Index) – thước đo diễn biến của đồng USD so với 6 đồng tiền chủ chốt khác – chạm mức cao nhất kể từ tháng 04/2017 vào ngày thứ Hai (30/09) sau khi tăng 3.4% trong quý 2, đánh dấu quý tăng mạnh nhất kể từ đà leo dốc 5% trong quý 2/2018.
Từ đầu năm đến nay, đồng USD đã tăng 3.2%, trong khi đồng Euro giảm 4.7% so với cùng kỳ năm trước. Được biết, đồng USD mạnh có thể là rào cản đối với các tài sản được neo giá theo đồng bạc xanh, bao gồm kim loại quý.
Đồng USD mạnh hơn cũng đã đe dọa đến xu hướng leo cao của vàng, với việc vàng trong phiên ngày thứ Hai (30/09) rớt mốc bình quân động 50 ngày là 1,500.83 USD/oz, dữ liệu từ FactSet cho thấy, lần đầu tiên kể từ cuối tháng 5/2019.
Trong số các kim loại trên sàn Comex, hợp đồng bạc giao tháng 12 tiến 1.8% lên 17.302 USD/oz.
Trong khi đó, hợp đồng đồng giao tháng 12 lùi 0.7% xuống 2.5605 USD/lb. Hợp đồng bạch kim giao tháng 1 mất 0.4% còn 886.10 USD/oz. Hợp đồng paladi giao tháng 12 giảm 1% xuống 1,630.70 USD/oz.
An Trần